Miến "bẩn" hối hả chạy Tết

Huy Hùng| 07/01/2015 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần Tết Nguyên đán, tại làng nghề Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức - Hà Nội) người dân lại tất bật ngày đêm để kịp ra lò hàng trăm tấn miến phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh thực phẩm tại đây sẽ khiến không ít người phải giật mình.

Dương Liễu, Minh Khai là hai làng nghề chuyên làm mì, bún, miến, phở… nổi tiếng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Gần Tết hàng ngàn phên miến được dân làng gấp rút mang ra phơi đầy đồng để chuẩn bị đóng gói mang đi tiêu thụ. Mì gạo và miến là hai nguyên liệu chính trong nhiều món ăn được ưa chuộng trong dịp Tết như: hủ tiếu, mì xào, bún khô, mì - miến trộn, miến nấu gà, nấu măng khô thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, chứng kiến "công nghệ" sản xuất ở đây, nhiều người sẽ không khỏi rùng mình bởi tình trạng mất vệ sinh đi kèm với sử dụng hoá chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Được biết quy trình để có miến ngon của nhiều hộ dân nơi đây là cho bột làm miến vào bể, hòa cùng thuốc tím, axit, Natri sunphit, sau đó khuấy lọc 4 - 5 nước và cuối cùng rửa lại bằng nước sạch. Tùy theo đơn đặt hàng mà người dân lại sản xuất ra các loại miến khác nhau.

Miến

Những thùng chế biến sủi bọt, bốc mùi

“Có 2 loại miến mà nhìn màu người mua bằng mắt thường có thể nhận ra được đó là miến trắng hoặc nhiều màu sắc do nhuộm  và miến màu xám đục. Trong đó thì miến trắng và nhiều màu khác là miến có sử dụng hoá chất, phẩm màu, còn miến có màu xám đục là miến có màu nguyên bản không sử dụng hoá chất. Theo sở thích nhiều người lại ưa chuộng miến trắng vì trông khá "bắt mắt”" – Một người làm miến ở làng này chia sẻ.

Theo thông tin từ kết quả khảo sát thực trạng ATVSTP tại các cơ sở sản xuất sản xuất miến dong, bún khô và bánh phở khô tại xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) của Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, loại thuốc tẩy trắng được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm kể trên là Natri hydrosulphat, axit HCL, thuốc tím và phèn chua để làm dai sợi miến.

Đến làng nghề, cảm nhận đầu tiên là một mùi chua chua, nồng nồng của bột ủ nước, mùi khăm khẳm của những rãnh nước thải không qua xử lý. Những đống nguyên liệu dong riềng được đổ đầy ngoài đường, cạnh cả các bãi rác.

Theo quan sát của PV, liên tục các mẻ hàng được ra lò, nhiều thùng phi gỉ sét, máy móc ố vàng cũng được dùng ngâm bột, hay những chiếc thùng tôn, sắt mới cũng cáu bẩn vì lâu ngày chưa được cọ rửa. 

Thậm chí, những phên tre để phơi mốc xanh, bám đầy bột, bị vứt chỏng chơ trên nền đất, gác chuồng lợn hôi hám cũng đều được được dùng làm giá phơi.

Do dân cư đông đúc, các xóm nối liền với nhau như ô bàn cờ, nên việc phơi miến được tận dụng tối đa tại mọi khoảng trống. Cả 3 xóm ngoài bãi là xóm Mới, Đồng Phú và Me Táo người dân phơi miến ngay trên đường đi, bờ ruộng, bờ ao để phơi miến. Có hộ phơi miến trên những chiếc sào bắc quá đầu người ngay tại đường làng. Nhìn xa thì có thể coi là tạm sạch, nhưng lại gần thì là hai rãnh thoát nước đen ngòm, hôi thối lộ thiên và bọ cũng từ đây mà bay ra chi chít bám lấy những sợi miến.

Miến

Những phên miến được phơi trên cống thối rất mất vệ sinh

Khi được hỏi vì sao để miến mất vệ sinh như vậy, PV đã nhận được câu trả lời khá thờ ơ của những hộ làm miến nơi đây "Nhà nào cũng làm hàng chục tấn/ngày, với lại mình có ăn đâu mà để ý đến sạch sẽ. Để bẩn một chút nhưng sau họ nấu chín lên ăn, vi khuẩn con nào sống sót được"

Sau khi làm xong, miến được chất lên xe bò chở về, cắt sợi vứt ngay dưới sân gạch, nền đất. Chỗ nào còn khoảng trống thì đều được tận dụng để để miến phân loại và bó lại. Từng bó miến đỏ, miến trắng thành phẩm sau đó mới theo các chủ hàng đổ đi đi khắp nơi.

Miến ở xã Dương Liễu chủ yếu là miến dong, phơi nắng, sấy rất ít. Miến được tiêu thụ tại nhiều nơi trên cả nước, thậm chí là vào tận trong miền Nam. Giá miến thường được bán ra 27 - 28 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, cũng có thời điểm giá dong đắt, miến được bán với giá 35 - 37 nghìn đồng/kg. Người mua miến thích màu gì sẽ được chủ sản xuất đáp ứng theo ý màu đó.

Khuyến cáo: Người sử dụng trong dịp Tết nên mua loại miến có màu xám đen về ăn, chứ không nên sử dụng loại màu trắng, vàng, hồng... khi thấy "bắt mắt", bởi nhưng loại miến có màu xám đen không sử dụng loại hóa chất, phẩm màu nào để lên màu trong quy trình sản xuất. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miến "bẩn" hối hả chạy Tết