Quyết liệt cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp

Trần Đức| 19/05/2015 21:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút khai trương Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, địa chỉ để người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch về BHXH, BHYT qua mạng Internet.

Trước đó vài ngày, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức ban hành quy trình kiểm tra thuế nhằm hướng tới mục tiêu cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tránh gây phiền nhiễu cho người nộp thuế.

Không quyết liệt làm thì phải nghiêm túc kiểm điểm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong những năm qua, ngành Bảo hiểm đã thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội của đất nước mà trụ cột là 3 chính sách lớn gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc làm tốt công tác này đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

“Đây là những trụ cột chính của BHXH và cũng là những trụ cột chính của lưới an sinh xã hội, đối tượng phục vụ rất lớn với 65 triệu người có BHYT, 12 triệu người có BHXH, 10 triệu người có BHTN. Yêu cầu đặt ra là phải làm tốt chính sách này, đây là định hướng xã hội chủ nghĩa, là lo cho dân, là vì đời sống của người dân...”.

Quyết liệt cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp

Thủ tướng nhấn nút khai trương Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục cải cách để làm sao việc phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, hay nói cách khác là phục vụ xã hội tốt hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Năm nay, Chính phủ đã thảo luận và quyết định phải giảm từ 235 giờ làm thủ tục BHXH trong một năm xuống còn 49,5 giờ để ngang bằng với các nước ASEAN-6 và cũng chỉ cần giảm khoảng 1-2 giờ nữa là bằng với các nước ASEAN-4.

Để thực hiện được mục tiêu còn 49,5 giờ, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, là trách nhiệm, là hành động thiết thực phục vụ nhân dân, đất nước. “Đồng chí cán bộ, đảng viên nào không làm tốt việc này, không đề cao trách nhiệm, không quyết liệt làm phải nghiêm túc kiểm điểm”.

Báo cáo về cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, cùng với việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, BHXH Việt Nam đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành, đảm bảo không làm phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại để phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn người lao động, các đơn vị sử dụng lao động và nhân dân khi giao dịch với cơ quan BHXH các cấp.

Việc khai trương hệ thống này có thể coi là một bước “nhảy vọt” trong ứng dụng CNTT của BHXH. Mặt khác, với việc giao dịch điện tử, số lần giao dịch mà  doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm sẽ chỉ còn 1 lần, so với 12 lần mỗi năm như hiện nay.

Cải cách để tránh phiền nhiễu

Trước sự kiện trên vài ngày, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 19, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức ban hành quy trình kiểm tra thuế nhằm hướng tới mục tiêu cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tránh gây phiền nhiễu cho người nộp thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, lâu nay, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế chưa rõ ràng đã tạo “đất” cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp; làm việc tùy vào cảm tính, thích thì kiểm tra, không thích thì bỏ qua… Mỗi cơ quan thanh tra, kiểm tra đều trực tiếp thanh tra theo mục đích của mình, không sử dụng kết quả của cơ quan chuyên ngành.

Nay, quy trình mới của ngành Thuế có nhiều quy định rất được trông đợi, như các Cục Thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần/năm. Nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan Thuế cấp dưới có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan Thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch cơ quan cấp trên. Trường hợp hoạt động kiểm tra có sự trùng lặp với kế hoạch thanh kiểm tra về thuế của Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính… thì Cục Thuế phải phối hợp với cơ quan này giải quyết…

Trên đây chỉ là hai trong số hàng loạt hoạt động được các bộ, ngành triển khai trong thời gian qua nhằm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Gần đây nhất, ngày 14/5, Bộ Công Thương đã công bố và khai trương quy trình thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng nhằm giải quyết một trong những “gánh nặng” nhất về thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cũng liên quan tới thủ tục thông quan hàng hóa, từ ngày 6/5, cơ chế một cửa quốc gia đã được chính thức triển khai trên toàn bộ hệ thống cảng biển của cả nước…

Cũng cần nhắc đến Bộ KHĐT đang ráo riết xây dựng những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh, những “giấy phép con” trái phép…; Bộ GTVT đang quyết liệt triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công…

Yêu cầu cấp bách không thể chậm trễ

Tất nhiên, thực tế cũng cho thấy để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí đâu đó vẫn còn những động thái dường như “chệch hướng” quyết tâm của Chính phủ. Chẳng hạn, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã nhận xét rằng vẫn thấy trên báo chí thông tin các bộ đang dự định ban hành các “giấy phép con” mới dù luật đã tuyệt đối cấm.

Hay theo ông như Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì chính dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Bộ KHĐT - cơ quan chủ trì triển khai Nghị quyết 19, đồng thời là “tác giả” Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với những cải cách đột phá - cũng có những biểu hiện trái tinh thần đổi mới như yêu cầu doanh nghiệp phải tự khai mã ngành nghề kinh doanh…

Nay, rõ ràng là  yêu cầu cấp bách về cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang được các bộ ngành khẩn trương hiện thực hóa trong những chính sách cụ thể. Trao đổi với phóng viên mới đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng ông tin cải cách sẽ đi đến đích, bởi Chính phủ đã thiết kế một “đường ray” vững chắc cho con tàu cải cách.

Dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đổi mới, cải cách rõ ràng đang là xu thế chủ đạo trong nhận thức, hành động của nhiều cơ quan chức năng, đúng như phát biểu của Thủ tướng khi nhấn nút khai trương cổng giao dịch BHXH điện tử: “Không phải duy ý chí, chúng ta có đủ năng lực, đủ ý chí, điều kiện để làm điều này, đây là năng lực cạnh tranh, là môi trường kinh doanh của đất nước”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp