Cần lấp “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ người nghèo

Lan Hương| 17/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều rất cần có sự rà soát các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo một cách tổng quát.

Xây dựng chuẩn nghèo mới

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu (bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu và nghèo cùng cực) và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Việc thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều rất cần có sự rà soát các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo một cách tổng quát nhất, bởi những chính sách dành cho những hộ nghèo, người nghèo hiện nằm ở hầu khắp các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, nông nghiệp…

 Thời gian qua, chuẩn nghèo, tỷ lệ nghèo và xác định đối tượng nghèo hoàn toàn dựa vào các tiêu chí thu nhập, trong đó chuẩn nghèo được xác định theo phương pháp “chi phí cho các nhu cầu cơ bản”. Theo đó, nhu cầu cơ bản là chi cho nhu cầu tối thiểu về lương thực và chi cho phi lương thực thiết thiết yếu (giáo dục, y tế, nhà ở…). Như vậy, mặc dù một số hộ nghèo không đứng trong danh sách hộ nghèo, nhưng nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa lại đang thiếu thốn các dịch vụ y tế, nước sạch… Với cách tiếp cận theo thu nhập như trên, hiện nay việc đo lường nghèo của nước ta không còn phù hợp với xu thế mới. 

Bởi, một số nhu cầu cơ bản của con người không thể quy ra tiền (như tham gia xã hội, an ninh, vị thế xã hội…) hoặc không thể mua được bằng tiền (tiếp cận giao thông, thị trường, đường xá và các loại cơ sở vật chất hạ tầng khác, an ninh, môi trường, một số dịch vụ y tế/ giáo dục công…).

Cùng với đó, có một số hộ có thu nhập trên chuẩn nghèo thì trong một số trường hợp thu nhập đó sẽ không chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu như thay vì chi tiêu cho y tế, giáo dục thì lại chi cho thuốc lá, rượu bia và các mục đích khác.

Đặc biệt, khi nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010 với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và di cư rất nhanh, phương pháp tiếp cận nghèo này càng bộc lộ nhiều hạn chế.

Cần lấp “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ người nghèo

Trao tặng nhà đại đoàn kết cho người nghèo

 Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt đề án tổng thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020".

Theo Quyết định trên, chuẩn nghèo về thu nhập là mức thu nhập, mà nếu hộ gia đình có thu nhập dưới mức đó sẽ được coi là hộ nghèo về thu nhập. Chuẩn nghèo về thu nhập dùng để xác định quy mô nghèo về thu nhập của quốc gia, xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ (gọi là chuẩn nghèo chính sách).

Chuẩn mức sống trung bình về thu nhập là mức thu nhập mà ở mức đó người dân đã đạt được mức sống trung bình của xã hội, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: Tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt gồm 10 chỉ số: Trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà vệ sinh, nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Ngưỡng thiếu hụt đa chiều là mức độ thiếu hụt mà nếu hộ gia đình thiếu nhiều hơn mức độ này thì bị coi là thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt trở lên...

Cần rà soát các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chí như chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, chuẩn mức sống trung bình (về thu nhập); chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản… để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo nhanh và bền vững, chiều ngày 13/10/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thay đổi cách tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều rất cần có sự rà soát các chính sách hỗ trợ các hộ nghèo một cách tổng quát nhất, bởi những chính sách dành cho những hộ nghèo, người nghèo hiện nằm ở hầu khắp các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, nông nghiệp…

Sau khi tổng hợp rà soát sẽ có những đối chiếu, so sánh để tìm ra những bất cập hoặc những “khoảng trống” trong các chính sách chưa hỗ trợ đầy đủ được cho người nghèo. Trên cơ sở rà soát các chính sách sẽ đối chiếu vào các phương án Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra để xác định chuẩn nghèo và hỗ trợ người nghèo.

Bộ Tài chính cần xem xét và cân đối các phương án để đảm bảo tài chính thực hiện. Việc cân đối tài chính cần được tính toán tổng thể, ví dụ nếu tăng bảo hiểm y tế, thì có lĩnh vực nào được giảm đi không, hoặc tăng chi phí dịch vụ y tế thì ngân sách sẽ thu về được bao nhiêu để dùng cho hỗ trợ người nghèo…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ liên quan sớm hoàn thiện một số nội dung về cân đối tài chính và các đánh giá tác động xã hội của các phương án để sớm trình Chính phủ xem xét. Quá trình đồng thực hiện của các bộ cũng được xem như quá trình thẩm định chính sách trước khi ban hành.

Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, việc xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, sẽ theo hướng sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Trước mắt, áp dụng chuẩn nghèo chính sách để phân loại đối tượng hộ nghèo, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Theo báo cáo của Ban vận động “Ngày vì người nghèo” Trung ương, tính đến hết 30/9, “Quỹ vì người nghèo” 4 cấp thu được hơn 460 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa được gần 14 nghìn nhà đại đoàn kết giúp cho hơn 39 nghìn hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Hiện cả nước vẫn còn gần 1,5 triệu hộ nghèo cần sự hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lấp “khoảng trống” trong chính sách hỗ trợ người nghèo