Công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và nhận được sự quan tâm, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Triển khai đồng bộ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa thông báo kết quả triển khai và thực hiện Chương trình phối hợp Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, công tác Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Mặc dù, đây là việc mới diễn ra quy mô toàn quốc nhưng đã được sự quan tâm, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Tính đến ngày 30/7, đã có 23 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả chỉ đạo điểm. Trong đó, có 201 xã, phường được chọn làm điểm chỉ đạo; số người được ra soát là 42.204 người. Thống kê ban đầu cho thấy: số người hưởng đầy đủ chế độ chính sách là 39.839 (chiếm 94,4%); số người hưởng thiếu, chưa đầy đủ là 1021 người (chiếm 2,42%); số người hưởng sai là 71 người (chiếm 0,17%); số người chưa được hưởng là 1273 người (chiếm 3,01%) đã có hồ sơ đang chờ công nhận và trong quá trình rà soát phát hiện đề nghị được hưởng.
Người có công với cách mạng đang được quan tâm, chăm sóc bằng nhiều chính sách ưu đãi
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã phát huy vai trò chức năng nhiệm vụ để thực hiện Chương trình Tổng rà soát; đặc biệt thu hút được sự quan tâm của nhiều hội viên Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến. Nhiều ý kiến trực tiếp của nhân dân, của các đối tượng gia đình chính sách thể hiện quan điểm đồng tình cũng như ý kiến tham gia đóng góp, trình bày những băn khoăn, thắc mắc, mong muốn với Đảng, Nhà nước và Mặt trận thực hiện tốt Chương trình tổng rà soát và tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công. Nhiều địa phương khi triển khai đã có những biện pháp sáng tạo linh hoạt, có địa phương chủ động kết hợp rà soát với một số chính sách khác đối với người có công như TP Hồ Chí Minh, tỉnh Nam Định...
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc rà soát liên quan đến nhiều chính sách và nhiều đối tượng, cán bộ rà soát ở khu dân cư đa số không nắm chắc chính sách người có công nên khi triển khai có khó khăn, lúng túng. Thêm vào đó, một số nơi có người phát hiện ra đối tượng hưởng sai về chính sách nhưng không mạnh dạn thông tin cho tổ rà soát; có nơi do thời gian triển khai thực hiện kế hoạch chậm nên không thực hiện rà soát thí điểm mà tiến hành rà soát đại trà nên trong quá trình rà soát vẫn có phiếu tẩy xóa, thông tin ghi chưa đầy đủ...
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, nhiều kinh nghiệm đã được rút ra trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện làm điểm trong thời gian qua. Đó là, công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện phải có sự tập trung vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở; coi trọng công tác tập huấn, hướng dẫn trước khi tiến hành rà soát để cán bộ được phân công nắm chắc nội dung, công tác Tổng rà soát. Phân công nhiệm vụ cho thành viên của các đoàn thể phụ trách rà soát theo từng nhóm quy định, đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu các chế độ ưu đãi của từng nhóm để thực hiện việc rà soát, nhận định kết quả được chính xác. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia. Ở khu dân cư việc rà soát phải được thực hiện chặt chẽ, có sự tham gia của cán bộ đoàn thể theo phân công; việc công khai danh sách cho dân biết, giám sát, việc phát hiện sai trái trong hưởng chính sách cần có biện pháp tập hợp, lắng nghe và tổng hợp để kịp thời có biện pháp giải quyết. Kinh phí cho công tác giám sát cần được quan tâm nhất là khâu rà soát tại cơ sở, khu dân cư.
Tăng cường công tác chỉ đạo, tiến hành sơ kết Chương trình
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Tổng rà soát trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các biểu mẫu để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý; phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân và hướng dẫn địa phương trong giải quyết đơn thư tại địa phương...
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức được phân công cần chú ý phối hợp với ngành LĐ-TB&XH nắm bắt và tổng hợp tình hình tổng rà soát trong phạm vi toàn quốc. Những nơi khó khăn, các đồng chí lãnh đạo phải đến trực tiếp để hướng dẫn thực hiện. Những nơi rà soát không có trường hợp nào hưởng sai, địa phương phải sớm công bố để nhân dân giám sát và rà soát kỹ lại. Những nơi chưa có kinh phí, chưa có báo cáo làm điểm cần phải nắm bắt kịp thời để đôn đốc.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra việc Tổng rà soát và kết quả thực hiện tại địa phương. Trong đó, tập trung kiểm tra những nơi người dân có nhiều đơn, thư, nơi các đoàn thể chưa thực sự tham gia vào cuộc, những địa phương thực hiện chậm tiến độ.
Tại các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, tiến hành sơ kết Chương trình tổng rà soát, chú ý rút kinh nghiệm đợt làm thí điêm để thực hiện đại trà đảm bảo hiệu quả, tránh làm hình thức, không đảm bảo chất lượng. Những nơi chưa thực hiện tốt việc công khai thông qua việc niêm yết, họp ở khu dân cư... cần có biện pháp tổ chức bổ sung cho đầy đủ. Đối với các địa phương cần thiết kéo dài thời gian để thực hiện tổng rà soát, Bộ yêu cầu chậm nhất trước ngày 30/11/2014 phải rà soát xong và công bố kết quả rà soát.