Vấn đề quan tâm

Bình Định: Rà soát việc thay đổi quy trình khai thác gỗ của Công ty Vĩnh Thạnh

Đức Hồ 28/11/2023 18:45

Việc một số cơ quan cho phép Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh tự ý thay đổi quy trình khai thác từ chặt hạ, cắt khúc sang đào cây còn nguyên gốc mang ra khỏi rừng để tiêu thụ với giá trị cao hơn, theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định là không đúng thẩm quyền.

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh (Cty Vĩnh Thạnh) trúng đấu giá 25,62ha rừng tự nhiên theo hình thức khai thác chặt hạ, cắt khúc nhưng doanh nghiệp thay đổi quy trình khai thác sang đào được cây còn nguyên gốc mang ra khỏi rừng để tiêu thụ mà Báo Công lý đã phản ánh, ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ và xin tận thu đào sống cây đứng, UBND huyện nhận văn bản và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện (đại diện chủ đầu tư bán đấu giá gỗ) tham mưu, đề xuất UBND huyện.

Sau đó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã mời Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định họp và có biên bản thống nhất theo đề nghị của doanh nghiệp cho khai thác (đào gốc cây) để trồng cảnh quan thuộc lô tài sản trúng đấu giá.

“Tuy nhiên, phê duyệt phương án trúng đấu giá gỗ là UBND tỉnh nên việc thay đổi quy trình khai thác thẩm quyền quyết định cũng là UBND tỉnh Bình Định. Vì vậy biên bản thống nhất này không đúng thẩm quyền nên lãnh đạo huyện không đồng ý. Nhưng đơn vị khai thác tự cầm văn bản này để đi đào cây nên mới sinh chuyện”, ông Thông khẳng định.

bai-2-vinh-son-4-binh-dinh-1.jpeg
Cây bằng lăng đầu tiên ra khỏi rừng được rao bán với số tiền trên 200 triệu đồng

Theo ông Thông, lâu nay đấu giá khai thác gỗ từ gốc trở lên, chứ chưa tính được phần âm dưới đất. Phương án khai thác gỗ đơn vị tư vấn lập không có biện pháp đào cả gốc. Sau khi có ý kiến của Ban quản lý rừng phòng hộ, lãnh đạo huyện đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định.

“Nhưng nếu tính cả gốc cả cây thì giá trị cây sẽ khác, có thể gây thất thoát, trong khi quy trình khai thác theo thông tư của Bộ NN&PTNT thì chưa có quy định cụ thể việc này”, ông Thông băn khoăn.

Như Báo Công lý đã phản ánh, ngày 12/10/2023, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh ký xác nhận vào bảng kê lâm sản cho phép Cty Vĩnh Thạnh khai thác chuyển giao cây bằng lăng còn nguyên gốc, có chiều dài hơn 10,5m, đường kính 127cm cho ông Lê Đình Nguyên (ở xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn, Bình Định), thời gian vận chuyển từ 12-13/10/2023.

Trong quá trình tìm hiểu đường đi của gốc cây bằng lăng sống mà kiểm lâm cho phép vận chuyển về xã Phước Mỹ, TP.Quy Nhơn, PV mới biết gốc cây bằng lăng này đã được ông Lê Đình Nguyên (người nhận chuyển giao cây từ Cty Vĩnh Thạnh -PV) rao bán với giá rất cao.

bai-2-vinh-son-4-binh-dinh-2.jpg
Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 sẽ xóa sổ hơn 25ha rừng tự nhiên

Ông Nguyên xác nhận gốc cây bằng lăng ông nhận có nguồn gốc đấu giá từ việc triển khai dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4. “Khi UBND tỉnh Bình Định có chủ trương đấu giá, trước đó tôi đã săn lùng các cây bằng lăng đẹp từ năm 2021. Tôi mua cây từ Cty Vĩnh Thạnh theo hình thức lựa cây đẹp bán giá cao, còn người ta mua sô cả nghìn cây”, ông Nguyên nói.

Khi PV ngỏ ý muốn biết cây bằng lăng trên liệu giá có tới vài chục triệu đồng hay không, thì ông Nguyên cắt lời: “Các anh có cây nào như vậy tôi mua cho 150 triệu, còn cây này hơn 200 triệu tôi mới bán”.

Liên quan đến thông tin, cây bằng lăng đã được “bứng” ra khỏi rừng bán cho ông Nguyên nhưng ngày 13/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh mới tổ chức cuộc họp giải quyết đơn xin khai thác đào nguyên gốc những cây thuộc lô tài sản trúng đấu giá;

Tiếp đó, ngày 02/11/2023, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh mới ký tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, xin chủ trương theo đề xuất của Cty Vĩnh Thạnh. “Việc đào gốc, kiểm lâm xác nhận cho đi trước khi cơ quan chức năng họp thì chưa phù hợp”, ông Thông thừa nhận.

Được biết, về Tờ trình xin chủ trương khai thác tận dụng đào gốc cây để trồng cảnh quan thuộc lô tài sản trúng đấu giá của UBND huyện Vĩnh Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mới đây đã có ý kiến giao Sở NN&PTNT xem xét, đề xuất nội dung đề nghị của UBND huyện Vĩnh Thạnh tại văn bản nêu trên, báo cáo UBND tỉnh Bình Định.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, theo như báo phản ánh, tỉnh sẽ cho rà soát lại. “Phương án khai thác là chặt hạ, cắt khúc, bây giờ đào gốc bán, về mặt pháp lý thì pháp luật có cho phép không, còn nếu như mà để làm lợi hơn cho Nhà nước thì có thể Sở NN&PTNT tỉnh sẽ mời Sở Tư pháp, Sở Tài chính họp bàn”, ông Thanh cho hay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Rà soát việc thay đổi quy trình khai thác gỗ của Công ty Vĩnh Thạnh