Để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp, thời gian tới chức năng tuyển dụng giáo viên các cấp được phân cấp, phân quyền mạnh hơn về cho cấp xã và Sở GD&ĐT các địa phương.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc mở rộng phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng giáo viên, trong đó cấp xã lần đầu tiên được trao quyền tuyển dụng giáo viên mầm non, bên cạnh vai trò chủ đạo của Sở GD&ĐT ở cấp tỉnh.
Chuyển giao quyền tuyển dụng về cấp xã
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi UBND cấp tỉnh về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, cấp xã sẽ được trực tiếp chỉ đạo công tác tuyển dụng giáo viên mầm non trên địa bàn, dựa trên biên chế và số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cấp xã cũng có quyền quyết định số lượng lao động hợp đồng cho các vị trí việc làm trong các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, nhằm bảo đảm đủ đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Đây là bước thay đổi lớn so với cơ chế cũ, khi việc tuyển dụng giáo viên công lập vẫn do ngành nội vụ và UBND cấp huyện hoặc tỉnh chủ trì, thực hiện theo quy trình tuyển dụng viên chức nói chung. Việc trao quyền cho cấp xã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc bố trí nhân lực theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương, mà còn thể hiện xu hướng tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực giáo dục.
Song song với việc phân quyền cho cấp xã, Bộ GD&ĐT cũng giao Sở GD&ĐT thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm và điều động giáo viên ở các trường thuộc hệ thống phổ thông trên địa bàn quản lý. Điều này bảo đảm sự thống nhất về chất lượng chuyên môn cũng như hiệu quả trong việc sử dụng và điều phối đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là tại các địa phương có quy mô trường lớp lớn và tình hình nhân lực giáo viên biến động nhiều.
Đa dạng hình thức, mở rộng quyền tự chủ
Không dừng lại ở phân cấp hành chính, Bộ GD&ĐT cũng đang đưa ra nhiều đề xuất cải cách quan trọng trong Dự thảo Luật Nhà giáo, trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chủ trì, hoặc có thể được phân cấp, ủy quyền cho chính các cơ sở giáo dục thực hiện.
Đặc biệt, với những trường được giao quyền tự chủ, hiệu trưởng sẽ là người trực tiếp thực hiện việc tuyển dụng giáo viên. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục giữ quyền chủ động tuyển dụng theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng của mình.
Một điểm nhấn quan trọng trong Dự thảo Luật là quy định bắt buộc có nội dung thực hành sư phạm trong các kỳ tuyển dụng, dù áp dụng hình thức xét tuyển hay thi tuyển. Bộ GD&ĐT khẳng định, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, bảo đảm tuyển chọn đúng người, đúng năng lực cho sự nghiệp trồng người.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề xuất các chính sách đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên dành cho ba nhóm đối tượng cụ thể:
Nhóm 1: Người có năng lực, thành tích vượt trội như sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao hoặc các ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học.
Nhóm 2: Người tình nguyện làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tốt nghiệp diện cử tuyển hoặc đào tạo theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở giáo dục.
Nhóm 3: Giáo viên đã có hợp đồng lao động tại cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên.
Việc phân cấp mạnh mẽ công tác tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là trao quyền cho cấp xã và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, phản ánh tư duy cải cách nhất quán của ngành giáo dục trong bối cảnh đổi mới quản trị công.