Mỹ có thể phải trả giá vì quá “lạm dụng” lệnh cấm vận

Hà Kim| 13/08/2018 16:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc Mỹ sử dụng quá đà những biện pháp trừng phạt có thể khiến các đồng minh e ngại hợp tác và làm giảm giá trị đồng USD.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế làm vũ khí chính trị của mình. Tuy nhiên, có vẻ như nhà lãnh đạo Mỹ đang quá lạm dụng đòn trừng phạt.

Rất dễ thấy, chính quyền Trump thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt trong thời gian qua. Chỉ trong vòng một tháng, cụ thể là tháng 2/2018, Mỹ đã áp dụng các các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với các cá nhân và tổ chức ở Colombia, Libya, Pakistan, Somalia, Philippines, Lebanon...

Theo đó, tháng 2/2018 là quãng thời gian bận rộn với các quan chức Mỹ, khi họ phải liên tiếp thông báo về những lệnh trừng phạt áp dụng với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Một gói biện pháp trừng phạt do Bộ Tài chính Mỹ ban hành nhắm vào Bình Nhưỡng với hàng loạt tàu hàng, công ty cùng những tổ chức khác bị cáo buộc vận chuyển than đá và nhiên liệu cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt trước đây.

Tiếp đó, một lệnh cấm vận khác được Mỹ đưa ra, nhắm vào những kẻ buôn lậu ma túy Colombia, buôn lậu dầu Libya cùng các cá nhân dính cáo buộc lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em làm binh sĩ ở Congo.

Washington còn tiếp tục tung thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhắm tới những nhóm khủng bố ở Pakistan, Somali và Philippines, cùng lực lượng Hezbolla ở Lebanon.

Mỹ có thể phải trả giá vì quá “lạm dụng” lệnh cấm vận

Chính quyền Trump thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt trong thời gian qua

Những tháng gần đây, các biện pháp trừng phạt tương tự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi một chiến lược cứng rắn, sử dụng những công cụ kinh tế thay thế cho sức mạnh quân sự nhằm chống lại đối thủ.

Theo một phân tích từ hãng luật Gibson Dunn, chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã ban hành gần 1.000 lệnh trừng phạt với cá nhân và tổ chức, cao gần gấp ba lần so với con số trong năm nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Barack Obama.

Phần lớn các lệnh trừng phạt được ban hành nhắm vào những chính quyền bị cho là đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm Triều Tiên, Iran và Nga. Nhưng chính quyền Donald Trump còn coi lệnh trừng phạt như biện pháp chống lại những hành vi gây bất ổn.

Trên thực tế, việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt không phải là một ý tưởng mới mà “vũ khí” này đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu học thuật cho thấy, các biện pháp này không mang lại hiệu quả như dự định mà có thể còn gây ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ đối với các đồng minh và tiềm ẩn nguy cơ làm giảm giá trị đồng USD.

Một nghiên cứu được tiến hành với đối tượng là 200 biện pháp trừng phạt từ năm 1914 đến năm 2008 đã phát hiện ra rằng chỉ có 13 biện pháp trừng phạt rõ ràng là công cụ để đạt được mục đích của người sử dụng. Đây là bài toán hết sức hóc búa đối với chính quyền Trump, vốn thường sử dụng các biện pháp trừng phạt thay thế cho chính sách đối ngoại.

Nhưng các quan chức chính quyền Mỹ phủ nhận mọi lời chỉ trích, cho rằng biện pháp trừng phạt đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc thuyết phục những quốc gia như Iran hay Triều Tiên đồng ý thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Mặc dù, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây tổn thất cho nền kinh tế Triều Tiên. Nhưng mục tiêu của Mỹ là buộc Triều Tiên phải đồng ý phi hạt nhân hóa và xét trên khía cạnh này thì các biện pháp trừng phạt của Mỹ không có tác dụng lắm. Thậm chí, ngày càng nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ có xu hướng chấp nhận rằng phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể là điều không xảy ra.

Đến thời điểm hiện nay, dường như Tổng thống Trump lại đang dùng các biện pháp đối phó với Triều Tiên để áp dụng vào Iran. Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 và chính thức bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Đối với nhiều người, đây là sự lặp lại của chiến thuật hoài nghi - đe dọa - trừng phạt, sau đó là một cuộc gặp. Song theo nhà báo Carol Morello của tờ Washington Post, việc này khó mang lại những kết quả có ý nghĩa.

Iran vốn là quốc gia có xã hội dân sự phức tạp và chia rẽ, sẽ khó có thể tuân theo sự lãnh đạo nào được. Phóng viên Ishaan Tharoor cũng của tờ Washington Post cho rằng, các biện pháp trừng phạt có thể không làm suy yếu mà càng làm mạnh thêm những đối tượng “cứng đầu cứng cổ” ở Iran.

Kelsey Davenport, nhà phân tích từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ bình luận, trong trường hợp Iran, Mỹ đang khiến các biện pháp trừng phạt bị tổn hại với tư cách công cụ gây ảnh hưởng.

Ngoài ra, Mỹ còn đặt nhiều quốc gia vào thế khó. Họ bị ràng buộc bởi nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng họ cũng bị Mỹ đe dọa áp đặt hình phạt nếu không tuân thủ những biện pháp trừng phạt từ Mỹ.

Tiếp đó là Trung Quốc, quốc gia rõ ràng có đóng góp đối với thành công của những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhưng hiện giờ đang vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Giới phê bình cảnh báo, việc quốc hội và chính phủ Mỹ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt dễ có khả năng làm suy giảm hiệu quả của chúng. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo rằng, việc lạm dụng lệnh trừng phạt sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư xa rời hệ thống tài chính Mỹ, đồng thời làm xói mòn tính ưu việt của đồng USD.

Theo giới phân tích, sự hoang mang bên trong các đồng minh của Mỹ trước việc Washington lạm dụng những biện pháp trừng phạt có thể gây khó khăn cho nỗ lực xây dựng những liên minh hợp tác hiệu quả. Tệ hơn, những người chỉ trích cho rằng tình trạng trên còn dễ dẫn tới hệ quả là một số quốc gia sẽ tìm kiếm ngoại tệ khác thay thế cho USD.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ có thể phải trả giá vì quá “lạm dụng” lệnh cấm vận