Đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Viện kiểm sát khẳng định, truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan tội "Tham ô tài sản" là có căn cứ.
Trước đó, phiên tòa chiều 28/3 đã kết thúc phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo, cũng như phần bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
85 bị cáo đều nhận tội, đề nghị HĐXX khoan hồng, có mức án nhẹ hơn VKS đề nghị. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại toàn bộ hành vi, tội danh đã bị truy tố.
Mở đầu phiên tòa sáng nay, VKSND TP.HCM đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư, của các bị cáo tự bào chữa bổ sung, và quan điểm bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, người liên quan.
Liên quan đến việc đánh giá thiệt hại, một số luật sư cho rằng cần trưng cầu định giá theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự chứ không dùng kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân.
Theo VKS, thiệt hại của vụ án không chỉ được xác định bằng cách trưng cầu định giá trong tố tụng hình sự mà còn có thể áp dụng các biện pháp khác để xác định hậu quả. Không căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định hậu quả vụ án.
Về ý kiến cho rằng, bị cáo Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu SCB, là người bị thiệt thòi, bị cáo có công ổn định sau khi SCB được hợp nhất. Đối đáp lại, VKS nêu căn cứ vào kết quả phiên tòa, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là xuyên suốt.
Bị cáo Lan sử dụng SCB là công cụ tài chính để phục vụ mục đích của mình. Việc đưa tài sản đảm bảo chỉ là phương thức, thủ đoạn để rút tiền của SCB, tài sản đảm bảo có thể rút ra hoặc hoán đổi bất cứ khi nào.
Về áp dụng pháp luật để xác định tội danh, VKS cho rằng xét về bản chất, từ 1/1/2012 đến khi cơ quan điều tra khởi tố, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn là chiếm đoạt của SCB thông qua vi phạm quy định ngân hàng.
Đối với việc áp dụng tội “Tham ô tài sản”, VKS cho rằng, pháp luật quy định tội tham ô tài sản áp dụng với các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước từ 0h ngày 1/1/2018, nên hành vi của bị cáo Lan và đồng phạm đã cấu thành tội tham ô.
Đối đáp ý kiến bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố tội tham ô, còn các bị cáo khác thì bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay, VKS cho rằng kết quả điều tra xác định bị cáo Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức.
Các bị cáo khác về ý thức không biết mình giúp sức cho bị cáo Lan nên VKS không đánh giá đây là đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”, mà chỉ truy tố về tội vi phạm quy định cho vay.
Một số luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là chủ thể nên không phạm tội “Tham ô tài sản”. Theo Viện kiểm sát thì bị cáo Lan không phải là thành viên HĐQT, tuy nhiên nhận định đánh giá mà luật sư đưa ra là không đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp. Qua kết quả điều tra, kết quả thẩm tra tại phiên tòa, bị cáo Lan có quyền hạn chi phối mọi hoạt động tại SCB.
Cụ thể, tài liệu điều tra đã thể hiện bị cáo Lan đã chi phối, có quyền quyết định đối với số cổ phần bị cáo nắm giữ tới 91% cổ phần SCB, mọi biến động cổ phần SCB đều được sự chỉ đạo của bị cáo Lan.
Trước đó, trong phần luận tội, VKS đã đề nghị án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan. VKS cũng đề nghị 4 án chung thân đối với Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn và Đỗ Thị Nhàn. Còn 80 bị cáo còn lại giúp sức Trương Mỹ Lan rút tiền SCB và bị cáo Nguyễn Cao Trí bị Viện kiểm sát đề nghị từ 3 năm tù treo đến 24 năm tù.
Qua 2 tuần bào chữa, đa số các bị cáo đồng phạm của Trương Mỹ Lan đều nhận tội, đều đưa thêm các tình tiết giảm nhẹ. Các bị cáo cho rằng chỉ đóng vai trò yếu thế, làm công ăn lương, không hưởng lợi, tin tưởng tuyệt đối vào Trương Mỹ Lan, nên đề nghị có mức án nhẹ hơn VKS đề nghị.
Riêng, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận cáo buộc thao túng SCB, chiếm đoạt của SCB khoảng 498.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng tiền gốc, lãi trên dư nợ gốc hơn 129.000 tỷ đồng; vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng.
Trước đó, bào chữa cho Trương Mỹ Lan, các luật sư cho rằng về tội danh tham ô tài sản, chủ thể của tội này phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản tại SCB. Còn bị cáo Trương Mỹ Lan không thoả mãn các điều kiện đối với tội danh này.
Ngoài ra, về bản chất và hành vi của Trương Mỹ Lan được xác định là cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội xuyên suốt trong 10 năm, nên tách ra 2 tội danh ở 2 thời điểm là chưa phù hợp.
Đối với tội đưa hối lộ của bị cáo Lan, theo các luật sư hiện chỉ có Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước).
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn thừa nhận hành vi nhận 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn, không có chứng cứ khác chứng minh bị cáo Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan tội đưa hối lộ.