Sáng 15/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức liên quan.
Trương Mỹ Lan xin không kê biên ngôi nhà cổ
Trong phiên xử sáng nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ các vấn đề dân sự. Trong đó, chủ tọa cho gọi Công ty Gia Tuê (Lâm Đồng), Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và Công ty Phương Trang.
Chủ toạ cũng gọi bị cáo Trương Mỹ Lan để đối chất với đại diện của các công ty liên quan.
Trả lời chủ toạ về việc giao dịch của Công ty Sunny World (trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), đại diện ủy quyền của Công ty Gia Tuệ đề nghị hủy hợp đồng, hoàn trả lại tiền cho bị cáo Lan.
Được chủ tọa hỏi về ý kiến trên, bị cáo Lan trả lời “Bị cáo xin trả lại sổ đỏ cho Công ty Gia Tuệ, yêu cầu Gia Tuệ trả lại 672 tỷ đồng”.
Đối với Công ty Phương Trang, bị cáo Lan nói không liên quan tới Vạn Thịnh Phát, yêu cầu Phương Trang tự trả 1.200 tỷ đồng cho SCB vì bị cáo chỉ là người môi giới, kiếm khách để Phương Trang bán dự án Golden Gate tại Quận 7 (TP.HCM). Dự án này do Công ty Thành Hiếu làm chủ đầu tư (thuộc nhóm Công ty Phương Trang).
Trả lời trước Tòa, đại diện Công ty Phương Trang cho biết, công ty này không biết khoản vay 1.200 tỷ đồng mà bị cáo Lan nói. Đối với dự án Golden Gate Quận 7, hiện tại Phương Trang đã chuyển nhượng cho 3 chủ đầu, họ đang giải phóng mặt bằng để tiếp tục thực hiện dự án.
Chủ toạ hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về các bất động sản sẽ xử lý như thế nào?
Bị cáo Lan trình bày, các tài sản gồm toà nhà Capital Place ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD, 672 tỷ đồng từ Công ty Gia Tuệ, khách sạn Daewoo Hà Nội trị giá 40 triệu USD và Tập đoàn Nhà máy sản xuất Vắc xin (đã đầu tư 315 tỷ đồng) nhờ HĐXX giúp thu hồi để khắc phục toàn bộ hậu quả.
“Tuy nhiên, đối với căn biệt thự cổ tại số 112 Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM) xin HĐXX đừng kê biên. Trước đây bị cáo dùng tiền cá nhân đã mua 700 tỷ đồng, xin trả lại cho con gái là Chu Duyệt Phấn. Để sau này cháu sửa chữa, bảo tồn”, bị cáo Lan nói.
Ngân hàng SCB không đồng ý về số tiền thiệt hại
Trước đó, cuối phiên xử chiều ngày thứ 8, HĐXX xét hỏi ngân hàng SCB. Được xác định là bị hại trong vụ án, đại diên ngân hàng SCB nêu ra một số yêu cầu về số tiền thiệt hại và kiến nghị về tài sản.
Đại diện SCB không đồng ý với khoản tiền thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng theo cáo trạng. SCB đề nghị HĐXX xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 677.286 tỷ đồng tính đến ngày 17/10/2022 và hơn 84.515 tỷ đồng lãi phát sinh tính đến thời điểm xét xử (ngày 5/3), trong đó chưa tính đến lãi bổ sung đến thời điểm thi hành án xong.
Ngoài ra, đại diện ngân hàng SCB đề nghị HĐXX giao toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý... đối với 1.166 tài sản đảm bảo được cáo trạng xác định. Đồng thời dề nghị Tòa án tuyên trả lại, bồi thường cho Ngân hàng SCB tất cả những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong toả, thu giữ được nêu trong kết luận điều tra.
Ngân hàng SCB cũng đề nghị HĐXX có biện pháp quyết định thu hồi 240 tài sản hoán đổi nói trên và các tài sản khác được hoán đổi (nếu có cơ sở xác định) để giao lại cho Ngân hàng SCB quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý... để thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại.
Đồng thời yêu cầu về việc tiếp tục truy tìm, thực hiện phong toả, kê biên các tài sản thuộc sở hữu của các bị cáo trong vụ án và các tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan là các Công ty định giá.
Đối với bị hại là Ngân hàng Nhà nước, người đại diện đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Nhà nước.
Cũng tại tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) cam kết gia đình sẽ sắp xếp, nộp 264 tỷ đồng tiền mặt trong thời gian xét xử vụ án này để khắc phục cho bị cáo Trương Mỹ Lan, để có thể hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật.
Đồng thời, vợ của bị cáo Trí cho biết hiện có nhiều cá nhân đang nợ gia đình hơn 1.500 tỷ đồng, mong muốn cơ quan chức năng phối hợp giúp gia đình thu hồi.
Căn biệt thự cổ 112 Võ Văn Tần trước đây có tên biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Cụ Nguyễn Kim Sa Dang, quốc tịch Mỹ, còn cụ Đặng Kim Chi sống tại chính tại căn biệt thự trên.
Căn biệt thự được xây dựng trên khu đất 2.819 mét vuông theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 mét vuông. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn biệt thự trên đã được rao bán với giá 47 triệu USD.
Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019. Sở Xây dựng TP.HCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới.
Dự kiến tòa nhà sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công.