Trong bối cảnh giao thông đô thị phức tạp, hệ thống camera phạt nguội ngày càng phát huy hiệu quả, giúp lực lượng chức năng xử lý vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Nhiều người đã từ bỏ thói quen chỉ đi đúng luật khi thấy CSGT, bởi họ biết mọi vi phạm đều có thể bị ghi lại bất cứ lúc nào.
Những “mắt thần” phát hiện và ghi lại các hành vi vi phạm
Phạt nguội là hình thức xử phạt người tham gia giao thông có hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng hoặc được ghi thu bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hoặc những thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội mà lực lượng chức năng không dừng xe xử lý ngay được.
Ở Việt Nam, việc phạt nguội đã được triển khai từ năm 2004 đã mang lại nhiều điểm tích cực đối với công tác quản lý an toàn giao thông, nhất là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Đặc biệt số lượng phương tiện cá nhân không ngừng tăng, gây áp lực lớn đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong bối cảnh đó, hệ thống camera giám sát đóng vai trò như “mắt thần” phát hiện và ghi lại các hành vi vi phạm mà không cần sự hiện diện trực tiếp của lực lượng CSGT.
Những trường hợp không tự giác tuân thủ luật lệ hoặc chỉ chấp hành khi có mặt lực lượng chức năng đều sẽ bị hệ thống phát hiện và thông báo đến các chốt ứng trực trên đường để xử lý. Những trường hợp viện dẫn lý do thiếu giấy tờ tùy thân hay mất giấy tờ để không bị tạm giữ đều không thuyết phục. Bởi hiện nay, chỉ cần một thao tác tra cứu trên ứng dụng như VNeID là có thể truy xuất đầy đủ thông tin cá nhân, chủ phương tiện và lịch sử vi phạm, qua đó tạo cơ sở để lực lượng chức năng xử lý đúng theo quy định.
Thực tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc triển khai phạt nguội đã góp phần nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, giảm tải cho lực lượng tuần tra trực tiếp.
Chia sẻ về trường hợp “dính” phạt nguội, anh Phạm Vũ Đ. (46 tuổi) cho biết anh là tài xế có kinh nghiệm 10 năm trong nghề. Khi nhận được thông báo mình bị phạt nguội vì lỗi đỗ xe không đúng nơi quy định, anh khá bất ngờ. Tuy nhiên những hình ảnh, kèm thông tin về thời gian, địa điểm vi phạm đều được lưu trữ vô cùng rõ ràng, cụ thể nên anh Đ. vẫn vui vẻ chấp hành nộp phạt.
Ở góc nhìn khác, chị Hoàng Hải L. (43 tuổi) cho rằng thói quen tùy tiện lấn làn, vượt đèn đỏ, không đội mũ,…khi tham gia giao thông đã ăn sâu vào một bộ phận người dân. Thậm chí, chỉ cần không thấy bóng dáng lực lượng chức năng là lập tức không tuân thủ luật lệ an toàn giao thông, cảnh tượng hỗn loạn trên nhiều tuyến phố. Thế nhưng từ khi Nghị định 168 được ban hành và việc triển khai rộng rãi hệ thống camera phạt nguội, chị L. thấy ý thức tham gia giao thông của nhiều người và cả bản thân chị cũng đã thay đổi không ít.
Phát huy tối đa tính năng của hệ thống giám sát trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thông tin từ Phòng CSGT Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có hơn 600 cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24h, ghi nhận vi phạm tại các tuyến đường.
Dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) để lực lượng chức năng theo dõi, phân tích và xử lý.
Từ những dữ liệu trên, cán bộ làm nhiệm vụ theo dõi thông tin trực tiếp sẽ nhanh chóng đưa ra phân tích hình ảnh, ghi nhận đặc điểm, biển số, hành vi vi phạm, thông tin sẽ được chuyển đến các tổ CSGT đang làm nhiệm vụ trên tuyến. Khi nhận được thông tin về phương tiện vi phạm, các tổ công tác sẽ triển khai lực lượng dừng xe kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Được biết, từ tháng 1/2025 - tháng 4/2025, có 1.818 lượt phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông bị phát hiện và xử lý phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát ở Hà Nội. Đây là con số thể hiện rõ hiệu quả và có tính răn đe đối với những tài xế ý thức kém, luôn tìm cách vi phạm giao thông sẽ phải dè chừng, e sợ bởi mức phạt tất cả những hành vi trên đều rất nặng theo Nghị định 168.
Bên cạnh việc ghi nhận và xử lý các hành vi vi phạm, hệ thống camera giám sát còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lực lượng chức năng theo dõi tình hình giao thông theo thời gian thực, kịp thời phát hiện tai nạn, sự cố bất thường để có phương án xử lý nhanh chóng. Đồng thời, hệ thống này hỗ trợ điều phối giao thông, ngăn ngừa ùn tắc và tăng cường hiệu quả trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Với mạng lưới camera giám sát giao thông ngày càng phủ rộng, việc phát huy tối đa tính năng của hệ thống giám sát góp phần hiện đại hóa công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính bằng công nghệ. Đồng thời hình thức phạt nguội sẽ siết chặt hành lang pháp lý, tránh tình trạng chấp hành theo kiểu đối phó.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành đánh giá cao về những thay đổi thông qua phạt nguội lỗi an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô. “Trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát và giảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh phương tiện giao thông tăng nhanh. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận Hà Nội đang áp dụng hiệu quả camera giám sát tích hợp AI", ông Lê Kim Thành nhận xét.
Tại cuộc họp sơ kết quý I/2025 và triển khai nhiệm vụ quý II/2025 của Ủy ban QTGT Quốc gia, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp tổ chức giao thông, giám sát và xử lý phạt nguội bằng hệ thống camera đang ngày càng được mở rộng.
"Thành phố đã tổ chức trung tâm giao thông thông minh, đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến tập trung vào 113 nút, phủ kín camera, khoảng 1.000 camera, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2025. Với những nền tảng này, chúng tôi đang dự kiến xử phạt qua camera để tổ chức giao thông tốt hơn", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin.