Pháp đình

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhóm cựu lãnh đạo SCB và công ty định giá nhận tội

Phong Vân 08/03/2024 12:40

Sáng 8/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo. Trong ngày làm việc thứ tư, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm các công ty thẩm định giá.

Định giá tài sản theo yêu cầu của ngân hàng SCB

Trong quá trình thực hiện các khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) chỉ đạo Lê Anh Phương (Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn SCB); Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB) và Lê Văn Chánh (Giám đốc Khối hỗ trợ kinh doanh Ngân hàng SCB), phối hợp với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) để liên hệ với các Công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

b0820458bf0713594a165.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Các công ty thẩm định giá biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn, nhưng quá trình thực hiện đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không tiến hành thẩm định giá mà chỉ ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

Các Thẩm định viên của các công ty thẩm định giá đã thông đồng với các cá nhân tại Ngân hàng SCB để hợp thức thủ tục hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 127.040 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Văn Nhị (Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC, người môi giới Thẩm định giá tài sản) nói cáo trạng truy tố đúng hành vi phạm tội.

Nhị khai được Bùi Ngọc Sơn giới thiệu Ngân hàng SCB có nhiều tài sản cần định giá, những hồ sơ đầu phải định giá cho tốt. Khi đưa hồ sơ cho Nhị, Sơn đưa yêu cầu về giá trị tài sản cần đạt được và ngày phát hành chứng thư. Sơn đưa ra mức phí thẩm định cho mỗi tài sản từ 8 triệu đến 300 triệu.

“Mức phí bị cáo nhận khi thẩm định tài sản của dự án khu công viên Mũi đèn đỏ là 300 triệu đồng, bị cáo sử dụng hết vào việc trang trải chi phí công ty. Bị cáo biết thẩm định giá trị tài sản theo yêu cầu là sai nhưng vì chạy chỉ tiêu nên phải làm” - bị cáo Trần Thị Kim Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú phân trần.

Bị cáo Trần Tuấn Hải (Thẩm định viên Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú) khai, nhận sự chỉ đạo của Ngân tiến hành thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB để làm cơ sở tham khảo xác định giá trị tài sản thế chấp, vay vốn ngân hàng. Ngân gửi kèm file có sẵn yêu cầu về giá trị tài sản thẩm định giá cần đạt được, một số hồ sơ tài sản thẩm định giá và chứng thư cũ để Hải thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng SCB.

“SCB là công cụ tài chính phục vụ nhu cầu của Trương Mỹ Lan”

Tính đến giữa buổi làm việc sáng nay, HĐXX đã xét hỏi được hơn 60 bị cáo, thuộc nhóm lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty thẩm định giá.

Tất cả các bị cáo đã trả lời thẩm vấn đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.

Cáo trạng quy kết, bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) đã thỏa thuận, thống nhất với Trương Mỹ Lan về việc sử dụng các pháp nhân nhóm công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ Ngân hàng SCB, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để sử dụng. Dương Tấn Trước đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 4.752 tỷ đồng, gây thiệt hại 605 tỷ đồng.

10.jpg
Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 8/3

Khai trước Tòa, bị cáo Dương Tấn Trước khai, cáo trạng xác định đúng hành vi của bị cáo, những gì bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra là chính xác.

Khi làm việc với bà Lan bị cáo có cảm nhận bà Lan là chủ ngân hàng. Do tin tưởng vào uy tín của bà Lan nên bị cáo chấp nhận làm các hồ sơ vay theo yêu cầu của bà Lan.

Bị cáo Trương Khánh Hoàng (Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) khai nhận, chủ thật sự của Ngân hàng SCB là Trương Mỹ Lan, đây là công cụ tài chính để phục vụ nhu cầu của Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

“Trong thời gian làm việc ở SCB bị cáo hưởng lương từ 120 – 320 triệu/tháng, bị cáo được Trương Mỹ Lan thưởng 10 triệu cổ phiếu, tương đương 100 tỷ đồng và 5 tỷ đồng”.

Cáo trạng xác định, mặc dù biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật nhưng được trả mức lương rất cao và được Trương Mỹ Lan thưởng nhiều lần, Trương Khánh Hoàng đã giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 182.842 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB 65.004 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại là cán bộ nhân viên ngân hàng SCB, nhân viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều thừa nhận hành vi thực hiện đúng như cáo trạng truy tố.

Các bị cáo xác nhận bà Lan là chủ thật sự của ngân hàng SCB, các bị cáo thực chất chỉ là người làm thuê, phải theo chỉ đạo của bà Lan. Có bị cáo nhận thức là nếu không làm theo chỉ đạo thì sẽ bị đuổi việc, đồng thời nhận thức được sai phạm của mình, mong sự khoan hồng của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhóm cựu lãnh đạo SCB và công ty định giá nhận tội