Sáng 7/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm chuyển sang phần xét hỏi. Các bị cáo được gọi lên xét hỏi đầu tiên thuộc nhóm lãnh đạo Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
HĐXX tạo mọi điều kiện để các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả
Sau giờ giải lao trong buổi sáng, luật sư của Trương Mỹ Lan đã có đơn chuyển đến HĐXX xin cho người nhà bị cáo được thay mặt bị cáo gặp những người còn nợ để thu hồi nợ, khắc phục hậu quả vụ án.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX rất hoan nghênh và tạo điều kiện cao nhất cho bị cáo Lan và tất cả các bị cáo khác nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, HĐXX đề nghị luật sư và bị cáo Lan trong đơn cần ghi rõ ai thiếu nợ, nợ trong trường hợp nào, nợ bao nhiêu và địa chỉ để HĐXX hỗ trợ.
Tại phiên thẩm vấn sáng nay, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc ngân hàng SCB) xin nộp thêm 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
“Tin tưởng bà Lan sẽ vực dậy ngân hàng SCB”
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) bị truy tố tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, thừa nhận nội dung đã khai với cơ quan điều tra, đúng với hành vi bị cáo đã làm và giữ nguyên lời khai ở cơ quan điều tra.
Văn cho biết được Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT SCB) tuyển vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.
Đến tháng 12/2013, Văn được Trương Mỹ Lan đồng ý cho làm Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB.
Nói về sai phạm của mình, bị cáo Văn khai: “Sau một thời gian làm tại ngân hàng, bị cáo biết bị cáo Lan là người nắm cổ phần lớn, có ảnh hưởng nhiều đến các thành viên HĐQT”.
“Bị cáo nghĩ bà Lan đưa mình về là để giúp cho ngân hàng SCB tái cơ cấu và vực dậy ngân hàng SCB. Bị cáo rất tin tưởng vào tài năng và tầm nhìn của bà Lan có thể vực dậy ngân hàng này. Vì có điểm tựa vững chắc và sự tin tưởng từ bà Lan nên bị cáo đã phê duyệt các khoản vay”.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai bị cáo biết rõ các khoản vay này là của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì đều có điểm chung là giải ngân trước, sau đó hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Chủ tọa hỏi, với vai trò là Tổng Giám đốc ngân hàng SCB, bị cáo thấy sai phạm phải mạnh dạn đấu tranh?
“Lúc đó bản thân bị cáo tin tưởng vào tài năng của Trương Mỹ Lan sẽ đưa doanh nghiệp phát triển, giúp SCB vượt qua khó khăn sau khi tái cơ cấu”.
Theo cáo trạng, trong giai đoạn từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2017, bị cáo đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 60.502 tỉ đồng. Trong giai đoạn từ ngày tháng 02/2018 đến tháng 7/2020, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 192.434 tỉ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.247 tỉ đồng.
HĐXX hỏi, khi SCB bị thanh tra trong tình trạng rất xấu, làm thế nào để qua mặt đoàn thanh tra?
Bị cáo Văn thừa nhận, theo chỉ đạo của Lan, bị cáo đã 4 lần gặp gỡ, tặng quà cho thành viên đoàn thanh tra. Có 3 lần gặp Đỗ Thị Nhàn đưa quà, tiền cho bà Nhàn tổng cộng 5,2 triệu USD.
Mật hiệu “HSTT” là gì?
Là người thứ hai được HĐXX gọi lên thẩm vấn, bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên là Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) cũng thừa nhận hành vi phạm tội giống như cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Dũng khai, năm 2013, giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Bến Thành; năm 2018, giữ chức Phó Tổng Giám đốc SCB phụ trách khối doanh nghiệp; đầu năm 2019 là Ủy viên HĐQT kiêm phụ trách Khối doanh nghiệp. Tháng 12/2020, Bùi Anh Dũng là Chủ tịch HĐQT. Mức lương Dũng được nhận năm 2013 là khoảng 70 triệu/tháng, mức cao nhất là 500 triệu.
Bùi Anh Dũng khai ký hiệu “HSTT” được hiểu là hồ sơ tiếp thị, ngầm ý là nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát.
Cáo trạng xác định, bị cáo Dũng ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, không thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn và được theo dõi riêng trên hệ thống Dữ liệu “Core Banking” của Ngân hàng SCB được tạo thêm trường dữ liệu ký hiệu là “HSTT”, để ghi chú khách hàng, phục vụ việc theo dõi, thống kê và phê duyệt cho vay, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.
“Mẹ Lan nói sao làm vậy”
Trả lời câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ với Trương Mỹ Lan, bị cáo Trương Huệ Vân (Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Winsor) khai là cháu ruột của Trương Mỹ Lan, được Lan nhận nuôi từ nhỏ, cho ăn học và gọi Lan bằng mẹ.
“Làm việc trong tập đoàn, toàn bộ chỉ đạo của Trương Mỹ Lan phải làm theo vì tin vào tầm nhìn của mẹ. Mặc khác, mẹ rất thương bị cáo”, Trương Huệ Vân khai.
Bị cáo Trương Huệ Vân liên tục trả lời không nhớ, nhưng khi chủ tọa nhắc đến từng hành vi phạm tội như Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 Công ty “ma” và 04 Công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để Lan và Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB.
Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ 2.834.305.475.880 đồng (gồm: Dư nợ gốc 2.809.042.375.904 đồng và dư nợ lãi 25.263.099.976 đồng).
Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 1.088.240.589.955 đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 25.263.099.976 đồng.
Bị cáo Vân trả lời đúng và thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.
Trong buổi làm việc sáng nay, HĐXX đã thẩm vấn 10 bị cáo, tất cả các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng với hành vi phạm tội, tỏ thái độ ăn năn và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.