Sáng 14/3, bắt đầu ngày thứ 8 diễn ra phiên xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn thẩm vấn các bị cáo liên quan tới hoạt động của Đoàn thanh tra.
Mở đầu, chủ tọa thông báo tới các luật sư nên cân nhắc, đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo mình bào chữa khi tiếp xúc trong giờ giải lao.
Xoay quanh việc làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) nhóm 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Nhàn đề nghị HĐXX cho hỏi bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước). Đa số những câu hỏi của các luật sư, bị cáo Hưng đều không trả lời, đôi lúc còn cho rằng luật sư đang quy chụp.
Chủ tọa nhắc, nếu bất lợi thì bị cáo không trả lời. Đối với các luật sư, chủ tọa yêu cầu không được đặt câu hỏi buộc tội hay làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Luật sư hỏi bị cáo Hưng có chỉ đạo Đoàn thanh tra sửa chữa nội dung kết luận thanh tra hay không thì Hưng khẳng định không chỉ đạo. Tuy nhiên khi luật sư hỏi bị cáo Nhàn thì bị cáo này xác định là có.
Bị cáo Nhàn trình bày thêm, bị cáo Hưng bảo bị cáo bổ sung vào báo cáo Chính phủ và sửa lại phần nhận xét đánh giá vào ngày 23/1/2018. Nợ xấu của SCB rơi vào nhóm 3-5, bị cáo Hưng chỉ đạo đưa vào nhóm 1. Bị cáo Nhàn chỉ sửa phần bổ sung và đánh giá trong kết luận thanh tra, vẫn giữ nguyên các nội dung thanh tra phản ánh SCB là ngân hàng cần đưa vào diện kiểm soát.
Theo bị cáo Nhàn, nhận được chỉ đạo chỉnh sửa số liệu từ bị cáo Hưng, sau đó chỉ đạo lại bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) chỉnh sửa. Tuy nhiên, bị cáo Nhàn xin HĐXX cho nhận trách nhiệm về mình dù không phải chính tay mình thực hiện.
Theo cáo trạng, ở đợt thanh tra đầu bị cáo Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu làm thay đổi toàn bộ các chỉ tiêu tài chính của SCB theo hướng có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo.
Đồng thời, bị cáo Nhàn còn chỉ đạo cấp dưới xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tại các cuộc họp có nội dung không trung thực, không đúng về sai phạm, vi phạm của SCB và kiến nghị tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được tái cơ cấu.
Tại đợt 2, bị cáo Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với hàng chục khách hàng để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm khách hàng này (tổng cộng khoảng 88.000 tỷ đồng).
Trình bày về quá trình 2 lần gặp gỡ bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Nhàn cho rằng chỉ đề nghị bị cáo Lan bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB, trả nguồn thu về cho SCB.
Luật sư nhắc về quá trình bị cáo Nhàn nhận 5,2 triệu USD, giai đoạn tại cơ quan điều tra bị cáo Nhàn đã rất ăn năn, trình bày rất nhiều với luật sư. Tuy nhiên, khi đứng trước HĐXX lại quá xúc động nên không nói suôn sẻ, luật sư gợi ý cho Nhàn trình bày lại.
Chủ tọa liền nhắc nhở “luật sư không được phân tích trước khi đặt câu hỏi cho bị cáo”.
Theo bị cáo Nhàn, dù là Trưởng Đoàn thanh tra nhưng bị cáo cũng chỉ là cấp dưới thực hiện chỉ đạo của bị cáo Hưng, người ký quyết định thanh tra Ngân hàng SCB.
Về việc nhận tiền của SCB, bị cáo Nhàn nói chỉ nhận thụ động. Bị cáo nói nhận tiền về để trong góc nhà, sau đó liên hệ với Võ Tấn Hoàng Văn để trả lại nhưng Văn không đến lấy. Tiếp theo mẹ bị cáo ốm rồi mất, nên dành toàn thời gian lo hậu sự nên không có thời gian xử lý số tiền đó.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã viết đơn xin tự nguyện trả lại số tiền mà Văn đưa. Với tư cách là Trưởng Đoàn thanh tra, bị cáo thật sự ăn năn, hối hận với việc làm của mình.
Lý giải với luật sư tại sao không để tiền ở nhà mà đem đi gửi, bị cáo Nhàn nói để nhà không an toàn.
Được luật sư hỏi về số tiền mà người thân đã nộp tại cơ quan điều tra, bị cáo Nhàn nói đã vượt xa số tiền nhận từ bị cáo Văn đưa. Gồm 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1 dự án; tiền là 3 triệu USD. Còn số tiền 2,6 triệu USD, người nhận giữ đã mượn 1,4 triệu USD đi mua 1 mảnh đất tại TP Nam Định và mở 10 sổ tiết kiệm. Khi bị cáo bị bắt, họ đã nộp 1,2 triệu USD, 10 sổ tiết kiệm và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng 600.000 USD để khắc phục hậu quả cho Nhàn.
Luật sư hỏi bị cáo Nhàn đã nộp dư thì tính sao? Bị cáo Nhàn nói người thân đã nộp 4,8 triệu USD, phần còn lại gồm 10 sổ tiết kiệm, 1 miếng đất, 1 dự án. “Tôi muốn xin lại 2 cuốn sổ đỏ để sau này đi thi hành án giảm đi phần xấu hổ”, bị cáo Nhàn nói.