Ngày 12/3, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 6 xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.
Theo diễn biến phiên toà, cả ngày nay luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia xét hỏi một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng SCB và bị cáo Lan. Trả lời luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Lan cho biết tài sản có được là do mẹ bị cáo tạo lập để lại.
Mẹ bị cáo Lan vốn là tiểu thương bán mỹ phẩm ở chợ Bến Thành 14 năm. Tại đây gia đình bị cáo Lan mua rất nhiều bất động sản, sau đó thành lập Công TNHH Vạn Thịnh Phát. Năm 1992, bị cáo Chu Lập sang Việt Nam đầu tư gặp bị cáo nên lấy nhau.
Trả lời câu hỏi của luật sư tại sao biết SCB vào thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan nói nhà không ai làm ngân hàng, bản thân bị cáo cũng không biết về ngân hàng và không thích. Nhưng người của NHNN nhờ làm, chỉ có bị cáo mới vực dậy được SCB qua 3 việc: Phải có cổ phần trên 65% để giúp SCB không bị ảnh hưởng bởi các ngân hàng khác; cho mượn tài sản và kêu gọi đối tác nước ngoài vào đầu tư.
Theo bị Lan, tháng 10/2011, NHNN mời bị cáo Lan tham gia các cuộc họp để cho mượn tài sản, bị cáo cho mượn khách sạn Winsor được định giá 1 tỷ USD để SCB thực hiện tái cơ cấu.
Luật sư Hoài dẫn chứng lại lời khai của các cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng, bị cáo Lan là người quyền lực, điều hành, chỉ đạo toàn bộ SCB. Bị cáo Lan lý giải, mọi người ở SCB không thấy các cổ đông khác xuất hiện ngoài bị cáo nên tưởng bị cáo là chủ.
Bị cáo Lan mong HĐXX xem xét kỹ vai trò của bị cáo trong vụ án, đối với việc tạo lập 1.000 công ty ma cũng như hành vi liên hệ công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản đảm bảo.
Đồng thời, bị cáo Lan cũng mong muốn khắc phục thiệt hại trong vụ án, đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí đã hoàn trả để đưa vào SCB giải quyết phần nào vấn đề tài chính.
Luật sư cũng hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) về thẩm quyền quyết định liên quan các hồ sơ vay, giải ngân dòng tiền theo quy định pháp luật và điều lệ của SCB là do cá nhân quyết định hay theo ý kiến của HĐQT?
Theo bị cáo Văn, trong điều kiện bình thường thì việc phê duyệt khoản vay sẽ do HĐQT quyết định, phân bổ. Mức thẩm quyền cao nhất thuộc về HĐQT rồi tới phân quyền cho Tổng giám đốc và phân quyền xuống cấp thấp hơn.
Trả lời việc bị cáo Lan đưa tài sản vào SCB đã tái cơ cấu, bị cáo Văn cho rằng, bị cáo Lan đưa tài sản vào để hoán đổi chuyển khản vay trước đây không có tài sản đảm bảo trở thành những khoản vay mới có tài sản đảm bảo.
Những khoản vay sai với đề án tái cơ cấu là những khoản đã tồn tại trước khi hợp nhất. Các khoản vay này thiếu tài sản đảm bảo, quá hạn, do đó bị cáo Lan mới đưa những bất động sản như Time Square, Windsor… vào để cấu trúc lại những khoản vay cũ.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng xét hỏi bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB). Bị cáo Dung khai về bản chất được bổ nhiệm nhờ bà Lan, còn trên mặt hồ sơ đương nhiên là do HĐQT quyết định. Dung cũng cho biết thêm, về mặt cổ phần thì không biết Trương Mỹ Lan chiếm khoảng bao nhiêu, chỉ biết bà Lan và con gái chiếm tổng 15%.
Trả lời câu hỏi của luật sư Hoài về việc bị cáo Trương Mỹ Lan đưa tài sản của mình vào SCB để tái cơ cấu, bị cáo Dung nói có biết. Từ năm 2012, bị cáo Lan đưa các tài sản như Times Square, Chợ Vải, Winsor vào để tái cơ cấu, làm phương án vay mới, trả nợ cho các khoản vay cũ.
Đối với bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng giám đốc Ngân SCB), luật sư Hoài hỏi vì sao cho rằng Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ gì nhưng tầm ảnh hưởng của bị cáo Lan trong SCB rất lớn.
Bị cáo Hoàng trình bày, tại phiên tòa các bị cáo khác cũng đã khai Trương Mỹ Lan giống như người đỡ đầu. Dưới góc nhìn của bị cáo, ngoài là người đỡ đầu, vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của Trương Mỹ Lan thấy được từ việc tái cơ cấu các khoản nợ của SCB và hoạt động của ngân hàng đa phần thuộc về nhóm của Trương Mỹ Lan.
Việc thành lập thêm 3 trung tâm kinh doanh có chức năng cho vay trực thuộc hội sở SCB, bị cáo Hoàng nói, thời điểm đó các chi nhánh phục vụ cho nhóm vay của bị cáo Trương Mỹ Lan đình chỉ cho vay nên bị cáo Lan nói phải có cách để khắc phục tình trạng này. Khi đó ban lãnh đạo SCB đưa ra phương án lập ba trung tâm kinh doanh để phục vụ các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố 3 tội danh: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
85 bị cáo còn lại gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKS truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.