Pháp đình

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị tử hình, Đỗ Thị Nhàn chung thân

Minh Đức - Quang Trung 19/03/2024 17:18

Chiều 19/3, đại diện VKSND TP.HCM tiếp tục phần luận tội đối với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Đại diện VKS nhận định, để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.

truong-my-lan-hanh.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan

Sau khi hợp nhất, bị cáo Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng nhiều cá nhân đứng tên để tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91%.

Bị cáo Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bị cáo Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB. Thông qua các cá nhân này, bị cáo Lan điều hành toàn bộ hoạt động của SCB.

Nhằm phục vụ mục đích cá nhân, bị cáo Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống.

Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân giữ vai trò chủ chốt tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đồng thời bị cáo Lan thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, thông đồng với các công ty thẩm định giá để rút tiền từ ngân hàng.

truong-my-lan-1-.jpg
Các bị cáo tại toà ngày 19/3/2024

Nhằm che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB được phát hiện qua thanh tra, Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn (cựu Trưởng đoàn thanh tra-Ngân hàng Nhà nước) và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc), tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị cho SCB được tái cơ cấu.

Từ đó, bị cáo Lan và các đồng phạm gây thiệt hại cho SCB là hơn 498.000 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, đã phạm vào tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh. Hành vi này của bị cáo Lan đã phạm vào tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, quanh co đổ lỗi cho cấp dưới, không ăn năn hối cải.

Bị cáo Lan thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Từ đó, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tổng hợp mức hình phạt bị đề nghị là tử hình.

Đối với nhóm cựu lãnh đạo SCB vi phạm về tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị:

Bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) đã trốn truy nã và bị xét xử vắng mặt, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) tổng hợp mức án là chung thân.

Bị cáo Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), tổng hợp từ 22- 24 năm tù

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, VKS cho rằng bị cáo đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.

do-thi-nhan.jpg
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn

Theo đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) là Trưởng đoàn Thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước).

Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu. Nhàn được Trương Mỹ Lan hối lộ số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Nhàn đã thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Hành vi của Đỗ Thị Nhàn gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cơ quan Nhà nước nên đại diện VKSND TP.HCM đề nghị mức án chung thân về tội “Nhận hối lộ”.

Đối với nhóm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị:

Bị Cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) từ 14-15 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) từ 4-5 năm tù;

Bị cáo Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) từ 3-4 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Văn Du (cựu Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) từ 3-4 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị tử hình, Đỗ Thị Nhàn chung thân