Pháp đình

Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của Trương Mỹ Lan

Minh Đức - Quang Trung 20/03/2024 - 12:35

Sáng 20/3, HĐXX tiếp tục xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm. 3 trong 5 luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan phát biểu bào chữa cho thân chủ.

Trong phiên xử chiều 19/3, đại diện VKSND TP.HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm. Sáng nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

truong-my-lan-1-.jpg

Theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho Trương Mỹ Lan), cáo trạng xác định hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan chia làm 2 giai đoạn (từ năm 2012 tới năm 2017 và từ năm 2018 tới năm 2022), bị truy tố 2 điều luật khác nhau, 2 nội dung khác nhau.

Cụ thể, tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại khoản 3 Điều 179 BLHS 1999 và tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” tại khoản 4 Điều 206 BLHS 2015.

Luật sư Thiệp cho hay, theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội thì nên truy tố bị cáo Lan theo tội “hoạt động ngân hàng” chứ không truy tố theo tội “cho vay”. Vì tội “hoạt động ngân hàng” nhẹ hơn tội “cho vay”.

luat-su-truong-my-lan-135-1-463.png
Các luật sư tại phiên tòa xét xử bị báo Trương Mỹ Lan và đồng phạm (Ảnh: VNN)

Về tội tham ô tài sản, luật sư Thiệp nêu, theo Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.

Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng cũng xác định “bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB”. Vì vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người quản lý, điều hành SCB.

“Chỉ có người quản lý tài sản mới phạm tội tham ô. Bị cáo Lan không giữ chức vụ gì trong SCB, không quyền lực thì làm sao tham ô. Nếu là hành vi đó thì phải áp dụng tội danh khác”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp trình bày.

Cũng theo luật sư Thiệp “Trong bộ máy của SCB, khi được tuyển chọn, bổ nhiệm phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Đó là chính sách đặc thù của ngành ngân hàng chứ không phải muốn bầu ai thì bầu”.

Trình bày về nội dung bị cáo Lan bị truy tố về tội đưa hối lộ, luật sư Thiệp cho rằng lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn bất nhất, không phù hợp với lời khai của bị cáo Đỗ Thị Nhàn và lái xe của Văn.

Ngoài ra, luật sư Thiệp cho rằng các chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân lập vào tháng 5/2023, đến nay không còn giá trị pháp lý đối trừ với dư nợ gốc và lãi tại thời điểm tháng 10/2022 để quy buộc bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cơ sở pháp lý của việc sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân chỉ phục vụ báo cáo rà soát cho mục đích đặc biệt có yêu cầu bổ sung về định giá lại tài sản bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức tín dụng nằm vào diện kiểm soát đặc biệt và hiện các chứng thư này đã hết hiệu lực pháp luật.

truong-my-lan-hanh.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan

Trước đó chiều 19/5, luật sư Phan Trung Hoài bắt đầu phần bào chữa cho bà Lan. Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét các vấn đề: nguyên nhân, bối cảnh bà Lan tham gia hợp nhất và thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng SCB.

Việc quy buộc tội danh tham ô tài sản bị tách ra thành tội danh độc lập do thời điểm phát sinh hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015; tính xác thực về số tiền quy buộc chiếm đoạt.

Về nguyên nhân, bối cảnh bà Lan tham gia hợp nhất 3 ngân hàng và thành lập SCB, luật sư Hoài nói do tình trạng tài chính yếu kém của ba ngân hàng, người dân rút tiền hàng loạt gây ảnh hưởng hệ thống tiền tệ nhà nước.

Khi ấy bị cáo Lan được vận động tham gia vì có đủ tài sản và độ uy tín giúp quá trình hợp nhất thành công. Bị cáo Lan kêu gọi bạn bè người thân mua trên 65% cổ phần của ba ngân hàng, kêu gọi cổ đông nước ngoài và cho mượn tài sản thế chấp khoản vay.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay là do các vấn đề trong cơ chế vận hành, quy trình hoạt động cho vay của Ngân hàng SCB.

Ngoài ra, còn xuất phát từ mặt chủ quan trong nhận thức của bị cáo Lan với tư cách cổ đông và đại diện nhóm cổ đông lớn của SCB.

Theo luật sư Hoài, bị cáo Trương Mỹ Lan không ký bất kỳ hồ sơ vay và đảm bảo tiền vay nào nhưng luôn phải chú tâm đưa toàn bộ tài sản, dự án có giá trị nhằm đảm bảo khoản vay tái cơ cấu.

"Nhiều bị cáo cho rằng các hồ sơ cấp tín dụng, cho vay được thực hiện theo chỉ đạo bà Lan. Tuy nhiên, về pháp lý, quyền phán quyết từng hồ sơ tín dụng thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị và ban điều hành", luật sư Hoài phát biểu.

Trước đó, VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án là tử hình.

Các bị cáo Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Đinh Văn Thành thuộc nhóm cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB phạm tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đều bị đề nghị mức án chung thân.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị mức án chung thân về tội nhận hối lộ.

Đối với 79 bị cáo khác, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án thấp nhất là 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và cao nhất là 24 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của Trương Mỹ Lan