VKS tranh luận gay gắt, nếu quan điểm của VKS được HĐXX chấp nhận, cơ quan công tố thông qua bản án này sẽ kiến nghị Liên đoàn luật sư lưu ý các luật sư trong quá trình tiếp cận đưa ra quan điểm bào chữa.
Sáng 3/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ 20, Viện kiểm sát (VKS) tiếp tục đối đáp vòng 2 với luật sư, bị cáo, bị hại và người liên quan.
Trước đó, luật sư bào chữa bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra quan điểm bị cáo Lan không phạm tội “Tham ô tài sản” vì không có chức vụ, quyền hạn tại SCB.
Theo VKS, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm dài, người sau tiếp nối sai phạm người trước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Lập luận của luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan theo cách tách bị cáo Lan ra khỏi cơ cấu tổ chức SCB và tiếp cận theo góc độ chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, VKS nhìn nhận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB.
Bị cáo Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, bị cáo tham gia đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, ban kiểm soát, đưa người vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền.
Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định về đồng phạm, xác định bị cáo Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu có hành vi chi phối, chỉ đạo các bị cáo để giúp bị cáo chiếm đoạt tài sản. Do đó, VKS có đủ căn cứ truy tố bị cáo Lan về tội “Tham ô tài sản”.
Theo đại diện VKS, Điều 353 quy định về tội “Tham ô tài sản” đã được luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan phân tích rất nhiều lần, viện dẫn rất nhiều cơ sở pháp lý để làm luận cứ. Tuy nhiên, điều luật này quy định người có "chức vụ, quyền hạn" chứ không quy định người có "chức vụ và quyền hạn".
Đại diện VKS khẳng định, bị cáo Lan nắm quyền cao nhất tại SCB, bị cáo điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Chức vụ các bị cáo khác do bị cáo Trương Mỹ Lan bổ nhiệm. Bị cáo Lan là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu. Không có lý do gì nói bị cáo không phải là chủ thể, theo Điều 353.
Đại diện VKS cho rằng, cách lập luận của luật sư là vô căn cứ. Việc đặt câu hỏi "SCB lấy đâu ra tiền để cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt" chứng tỏ luật sư không nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Trong số 1.169 bất động sản kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo, bị cáo phải thuê nhờ người đứng tên. Điều này làm rõ sự gian dối của bị cáo. Trong số các tài sản này chỉ có một ít tài sản mua trước 2012, sau 2012 chiếm hơn 94%. Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để đầu tư, để mua.
Trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn cho rằng, 2 tình tiết tăng nặng mà VKS đề nghị đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn gồm hành vi che giấu thực trạng SCB, che giấu thủ đoạn để nhận tiền, luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo.
Ngoài ra, luật sư của bị cáo Nhàn tiếp tục cho rằng, trong vụ che giấu thực trạng yếu kém của SCB là do bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra) mới là người chủ mưu, bị cáo Nhàn chỉ nhận chỉ đạo từ Hưng.
Bào chữa bổ sung, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh, điều kiện bị cáo phạm tội, áp dụng biện pháp có lợi cho bị cáo.
Về mối quan hệ với cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Nhàn trình bày quen Văn từ năm 2009 nên việc tặng quà qua lại là bình thường.
Theo bị cáo Nhàn, lời khai của bị cáo Văn liên quan đến bị cáo là chưa đúng. Văn nói nhờ bị cáo gặp Trương Mỹ Lan để tìm cách giải quyết khoản vay của nhóm 71 khách hàng tại cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Bị cáo không biết Trương Mỹ Lan cho đến khi bị cáo Văn nhờ bị cáo đi gặp 2 lần. Cả 2 lần gặp Trương Mỹ Lan đều trước khi nhận lệnh của lãnh đạo về thanh tra nhóm 71 khách hàng này.
Bị cáo Nhàn khẳng định, bị cáo không yêu cầu Văn đưa tiền và đã báo cáo trung thực kết quả thanh tra tại SCB. Với tư cách Trưởng đoàn, bị cáo tuân thủ quy định về thanh tra, nguyên tắc làm việc công khai, minh bạch để làm tốt nhiệm vụ.
Tiếp đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tấn Trước đề nghị HĐXX ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ phát sinh vì ngày 1/4, gia đình bị cáo đã nộp thêm 1 tỷ đồng.
Lúc bị bắt, trong quá trình kê biên, bị cáo Trước bị phong tỏa số tiền ngoại tệ lớn. Nếu quy đổi tổng tài sản thì có trị giá hơn 2.300 tỷ đồng.
Với số tiền trên, bản thân bị cáo và gia đình quyết định góp phần khắc phục thiệt hại vụ án. Đồng thời, bị cáo Trước cũng tự nguyện giao nộp lại số tiền giao dịch với bị cáo Lan hơn 1.632 tỷ đồng.
Tự bào chữa, bị cáo Trước cho biết bản thân rất đau xót, ân hận khi nhận mức án đề nghị nghiêm khắc.
Theo bị cáo, bản thân là đối tác của bà Trương Mỹ Lan, muốn phát triển dự án của bà Lan đang bị nợ xấu. Ngoài ra, bị cáo Trước nói mình không thống nhất với bị cáo Lan mua dự án để rút tiền của ngân hàng.
Ngoài ra, bị cáo Trước cho biết, từ khi làm việc với cơ quan điều tra đến nay, bị cáo và gia đình đều mong muốn khắc phục hậu quả tốt nhất cho SCB, mong HĐXX xem xét lại mức án.