Không ít cán bộ năng lực yếu kém

Bảo An| 13/05/2015 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân thảo luận về những khó khăn trong nông nghiệp, nông sản hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lại đưa một góc nhìn khác, góc nhìn về những yếu kém trong công tác cán bộ.

“Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, đầu ra cho nông sản chúng ta có cả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà cho đến nay vẫn là câu chuyện giải cứu dưa hấu và nhiều vấn đề khác? Đó là do đội ngũ cán bộ”.

Không ít cán bộ năng lực yếu kém

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại phiên họp UBTVQH sáng 11/5

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đưa ra dẫn chứng sinh động: “Đi chấm thi chuyên viên cao cấp, 5 năm nay tôi thấy đáng lo ngại về trình độ, dường như không nâng lên, mà còn đi xuống. Tôi chấm phúc tra nhiều bài thấy rằng những cán bộ này đáng lẽ không cho đi thi, bởi vì tự trọng rất kém, bài viết nguệch ngoạc được mấy chữ, chấm dưới điểm trung bình lại còn đòi phúc tra, không biết tự trọng. Mà đó là toàn những đội ngũ hàm Vụ trưởng, Giám đốc sở, Phó Chủ tịch UBND. Tôi nghĩ rất đáng báo động về năng lực”

Ông Quyền nói tiếp: “Khi tôi hỏi thi vấn đáp, rất nhiều Giám đốc sở, Vụ trưởng không nắm rõ về những nội dung quản lý nhà nước. Đề án thì rất dài nhưng hỏi mấy vấn đề quản lý nhà nước thì không nắm rõ, rất lơ mơ”.

Vấn đề vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội không phải quá mới mẻ, nhưng là một thực tế sinh động phản ánh  thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém cả về năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ.

Đánh giá về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9 khóa X, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp, ngoại ngữ, khả năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội của không ít cán bộ vẫn còn bất cập; khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu” rồi “Một bộ phận cán bộ chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì trệ, mắc bệnh thành tích; số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình và phê bình và tính chiến đấu kém; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Những nhận định đó đã sáng rõ, mức độ cảnh báo cũng rất cao, nhưng vấn đề đặt ra biện pháp nào, cơ chế nào để loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém đó. Nếu không có biện pháp toàn diện và cụ thể thì biết bệnh mà không chữa được bệnh, thấy hư hỏng mà không ngăn ngừa được hư hỏng.

Làm gì để nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là bài toán khó hiện nay nhưng không thể không tìm ra lời giải. 

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ít cán bộ năng lực yếu kém