Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa lập Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, huyện Thạch Thành.
Giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và đồ án quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hang Con Moong có sức hấp dẫn kỳ lạ
Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong (thuộc bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) nhiều năm nay được biết đến như một di chỉ khảo cổ học độc nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á bởi tính chất đặc biệt của nó. Hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tháng 12/2015.
Theo tiếng địa phương, Con Moong có nghĩa là con thú. Đồng bào ở bản Mọ lý giải, nơi này xưa kia có rất nhiều muông thú tụ về sinh sống trú ngụ nên nhiều đời không mấy ai dám bén mảng đến cửa hang vì sợ thú dữ như hổ, báo… và hơn hết là “tránh để hồn ma người xưa theo về bản hại dân làng”. Vòm hang Con Moong cao và rộng hình bán nguyệt, dài khoảng 40 m thông hai đầu. Trần hang có chỗ cao hơn 10 m. Ở giữa hang vách phẳng hơi cong, đôi chỗ có nhũ nhỏ xuống. Cửa hướng đông nam có một tảng đá tạo hình con hổ quỳ.
Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại. Các di chỉ thu được tại Con Moong gồm rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn, nạo hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mũi nhọn bằng xương và công cụ ghè đẽo thô sơ tạo rìa ở dọc viên cuội, rìu ngang cùng một số mảnh đá được sử dụng làm dao cắt.