Sáng 11/3, phiên họp thứ 32, UBTVQH đã cho ý kiến sơ bộ về Dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) 2015. Các ý kiến cho rằng, Luật mới có hiệu lực thi hành 3 năm, cần xem xét kỹ về sự cần thiết phải sửa đổi cũng như bổ sung một số nội dung liên quan.
Chưa có sự đồng thuận của cơ quan trình và thẩm tra
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, 3 năm triển khai thi hành Luật này đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như phạm vi, đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa bảo đảm sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra…Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.
Trong lần sửa đổi này, dự án Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán. Mặt khác, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được trình Quốc hội sửa đổi và Luật Tố tụng hành chính; tạo điều kiện để người nộp thuế thực hiện quyền khiếu nại, khiếu kiện Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc…
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Ủy ban TCNS cho rằng: qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS và các đại biểu dự họp nhận thấy, Luật mới ban hành và thực hiện trong 3 năm, mặc dù có phát sinh một số bất cập, vướng mắc nhưng về cơ bản, các quy định của Luật vẫn phù hợp với thực tiễn, phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đối, bổ sung.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải, trong số 18 nội dung thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban TCNS đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa bảo đảm công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo luật chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, ngành liên quan.
Vì vậy đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Luật theo hướng chỉ đề xuất sửa đổi những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật chuyên ngành nếu phát sinh vướng mắc thì đề xuất sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, không thể hiện các nội dung này trong Luật KTNN để tránh chồng chéo, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật.
Cân nhắc thêm một số nội dung
Cho ý kiến về dự án Luật, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, thời gian qua, KTNN đã chủ động, giải quyết được nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần xem xét đã cần thiết hay chưa vì Luật mới có hiệu lực 3 năm. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung mà cơ quan thẩm tra chưa đồng thuận với cơ quan trình.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, Hiến pháp 2013 quy định KTNN là một chế định độc lập, do Quốc hội bầu và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự lệ thuộc của bất cứ cơ quan nào.Vấn đề đặt ra có nên sửa Luật này hay không để đảm bảo cho nhiệm vụ quyền hạn của KTNN hoạt động hiệu quả?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình với việc bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN vì kết luận kiểm toán sau khi ban hành khó có thể tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn đối với đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, vì ngay trong Luật Khiếu nại khi muốn khiếu nại đều phải quy định rõ quy trình, thủ tục, khiếu nại chấm dứt khi nào, bao giờ ra tòa, khiếu nại lần 1 ra sao, khiếu nại lần 2 ra sao, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán đối với cấp nào thì cấp trên trực tiếp giải quyết…Vậy, với khiếu nại kết luận kiểm toán của chính Tổng Kiểm toán Nhà nước thì thẩm quyền giải quyết là ai?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến tại phiên họp
Tại Điều 15, dự thảo Luật quy định “trước khi báo cáo Quốc hội, KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm để tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra”. Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, quy định này chưa thể giải quyết cốt lõi vấn đề chồng chéo, trùng lắp hoạt động giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ. Bởi lẽ, nguyên nhân chính gây ra chồng chéo là các quy định về nội dung kiểm toán, nội dung thanh tra chưa được phân định rõ, dẫn đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN và Thanh tra Chính phủ còn có nhiều bất cập. Do vậy, có ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi, bảo đảm phân định rõ ràng trong việc kiểm toán, thanh tra các đối tượng quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ phân vân về thẩm quyền xử phạt hành chính của KTNN. Về mặt pháp lý, đối tượng bị xử phạt là những người vi phạm quy định về quản lý trong lĩnh vực đó. Đối tượng chịu sự kiểm toán là đối tượng thi hành công vụ, nếu họ vi phạm thì phải bị xử lý theo hình thức kỷ luật. Về nguyên tắc, một hành vi chỉ phải chịu một loại chế tài. Hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán đã bị xử lý kỷ luật thì không bị xử phạt hành chính. Vì vậy, các ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về vấn đề này cần được cân nhắc.
Về thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, đây là vấn đề được bàn tính rất kỹ. Trước đây, Luật Ban hành văn bản QPPL không quy định KTNN được ban hành văn bản QPPL. Sau đó, có bổ sung thẩm quyền này của Tổng KTNN. Ngay cả các Bộ, theo Luật cũng chỉ được ban hành thông tư, không còn quy định nào cho phép ban hành văn bản liên tịch (nhằm tránh sự trì trệ, kéo dài do thỏa hiệp). Trường hợp cần văn bản liên tịch giữa bộ với các ngành như Tòa án, VKS… thì đã có quy định. Vì vậy, nếu đề nghị bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản liên tịch với các ngành thì đề nghị Bộ Tư pháp và Chính phủ có ý kiến thêm.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập. Để nâng cao địa vị pháp lý và hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của KTNN, thì Quốc hội và UBTVQH phải bảo vệ cho KTNN để thực hiện được các yêu cầu nhiệm vụ. Luật mới có hiệu lực 3 năm, có nội dung thực sự cần thiết sửa hay chưa thì đề nghị cân nhắc thêm và rà soát lại trước khi trình Quốc hội.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch nước không đồng tình vì theo quy định của Luật Xử lý VPHC thì phải được Chính phủ đồng ý, sau khi có ý kiến của UBTVQH. Bởi vậy cần cân nhắc kỹ điều này. Bên cạnh đó, Tổng KTNN cho rà soát lại 18 điều đề nghị sửa đổi, nếu thật sự cần thiết thì phải nêu ra cho thuyết phục để sửa.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật trình UBTVQH tiếp tục cho ý kiến.