Bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trung Thành| 14/07/2023 19:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 14/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 24.

Hoàn thành toàn bộ nội dung Phiên họp với chất lượng rất tốt

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ 7 nội dung theo dự kiến với chất lượng rất tốt. Các cơ quan hữu quan chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu kỹ, cho ý kiến trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương ban hành các thông báo, kết luận để các tổ chức, cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện, đặc biệt là Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để việc tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, thời gian theo quy định.

140720230554-dsc_6667.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thành công Phiên họp thứ 24; nhấn mạnh, đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV. 

Cho biết, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với những kinh nghiệm tích lũy được từ đầu nhiệm kỳ đến nay và tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. 

Tiếp tục đổi mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ  Năm, bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.  

Bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo tổng kết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo tổng kết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục có đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã thông qua 8 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ Năm, lần đầu tiên Quốc hội đã dành riêng một phiên họp để xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư. Qua đó, vừa tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là các vấn đề mà cử tri còn trăn trở, băn khoăn, lo lắng, vừa nâng cao vai trò giám sát và trách nhiệm của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân.

Thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng; công tác phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đồng thời, là sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, cùng với sự quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến có giá trị của bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.

Về dự kiến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23.10.2023 và làm việc trong 23 - 25 ngày. Kỳ họp dự kiến bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án: Phương án 1, Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp để Kỳ họp kết thúc trong tháng 11.2023. Phương án 2 Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào tháng 12.2023 để các cơ quan có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết.

Căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật. Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác…

Các nội dung tại Kỳ họp thứ Sáu phải được chuẩn bị kỹ lưỡng

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về cơ bản Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV đã nêu được những kết quả chính quan trọng, những điểm cải tiến và đổi mới hiệu quả của Kỳ họp thứ Năm.

Bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -3
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, chủ động nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, khẩn trương nỗ lực chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung của Kỳ họp. Công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an toàn, hậu cần, y tế cơ bản phục vụ đáp ứng yêu cầu kỳ họp, đặc biệt việc tổng hợp ý kiến sau các phiên họp rất kịp thời. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc Quốc hội tiến hành thảo luận, xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là cần thiết, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và cử tri, Nhân dân. 

Phát biểu kết thúc nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã kết thúc tốt đẹp và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm được thời gian dù có điều chỉnh chương trình. Các nội dung của Kỳ họp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng và được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, phát huy được tính dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch nên đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Công tác phục vụ cũng được thực hiện chu đáo, góp phần quan trọng vào thành công của Kỳ họp.

Bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội -2
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ Sáu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị về cơ bản tổ chức tương tự như Kỳ họp thứ Năm và theo quy chế hiện hành của kỳ họp. Về bố trí thời gian Quốc hội không họp giữa 2 đợt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tối đa là 1 tuần làm việc không nghỉ nhiều hơn để quyết đáp các nội dung quan trọng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất trong tháng 7 phải đăng ký những nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền tại Kỳ họp thứ Sáu, nếu không có đăng ký và không có hồ sơ trình để cho ý kiến thì sẽ không bổ sung vào chương trình kỳ họp. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chủ động rà soát, đề xuất với các tổ chức, cơ quan hữu quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc quốc gia đại sự phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. 

Cũng trong phiên họp chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội