Thứ Sáu, 13/12/2024
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ là Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Sau 3,5 ngày họp tập trung, chiều nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 31.
Tiếp tục hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình phiên họp thường kỳ tháng 3.
Đáng chú ý, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 7 dự án luật gồm các dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cùng với các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận nội dung phiên họp để các cơ quan có cơ sở hoàn thiện các hồ sơ dự án để trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Về hoạt động chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội khẳng định phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thường kỳ lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được yêu cầu đề ra, thành công tốt đẹp. Trên cơ sở diễn biến của phiên chất vấn, các báo cáo của các Bộ và ý kiến phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành Nghị quyết về chất vấn làm căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự giữ chức vụ là Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Bổ sung nhiều nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 7
Cho biết trong thời gian tới có nhiều công việc phải triển khai như: Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của Hội đồng nhân dân, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; phiên họp thường kỳ lần thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp chuyên đề pháp luật…cùng với đó, Chính phủ đề xuất nhiều nội dung bổ sung vào chương trình của Kỳ họp thứ 7 tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương làm việc với các đầu mối của Chính phủ rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ họp; nội dung nào chưa chuẩn bị kịp thì giãn tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự kiến số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và các dự thảo Nghị quyết là rất lớn, đòi hỏi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khẩn trương sắp xếp triển khai công việc khoa học, hợp lý.
“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan bám sát chương trình, kế hoạch tổ chức công việc khoa học, phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung nỗ lực với quyết tâm cao độ để đảm bảo tiến độ và kỹ lưỡng về chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Thành lập thành phố Bến Cát (Bình Dương) và thành phố Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Trước đó, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai Dự thảo nghị quyết: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Về thành lập thành phố Bến Cát, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, thị xã Bến Cát là một trong 05 đô thị quan trọng của tỉnh Bình Dương, là đô thị động lực phía Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; vùng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Định hướng phát triển đô thị Bến Cát đến năm 2040 là trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông.
Việc thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.