Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Quang Minh| 03/06/2014 09:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND đã được bổ sung, sửa đổi. Trong đó, nguyên tắc việc xét xử của TAND có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số đều quy định ngoại lệ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1 và khoản 4 Điều 103). Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức TAND và các Luật tố tụng cũng đã được đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII. Đây là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND để thực hiện việc giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền bằng một Thẩm phán theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay, trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những Thẩm phán chuyên trách được giao nhiệm vụ xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND theo quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/1/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/1/2014. Theo quy định của Pháp lệnh này thì việc xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán của TAND cấp huyện thực hiện; việc xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện tương tự như thủ tục phúc thẩm nhưng do một Thẩm phán của TAND cấp tỉnh thực hiện.

Theo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục và đưa vào cơ sở chữa bệnh từ năm 2003 đến năm 2013 thì số vụ việc phải giải quyết hàng năm là rất lớn, trung bình mỗi năm có khoảng 23.873 trường hợp thuộc đối tượng bị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nêu trên. Bên cạnh đó, theo quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì hàng năm Toà án còn phải thực hiện việc xem xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ, đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Mặt khác, theo định hướng được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thì cần phải “hoàn thiện cơ chế pháp luật để Chính phủ thực hiện quyền yêu cầu xem xét, xử lý bằng thủ tục tư pháp đối với mọi vi phạm nghiêm trọng được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức, thi hành pháp luật”. Như vậy, ngoài các biện pháp xử lý hành chính đã được chuyển giao cho Tòa án xem xét, quyết định thì Tòa án sẽ còn tiếp tục được giao thêm thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính khác, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp xử lý và xử phạt hành chính mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân đặc biệt là quyền tự do và quyền về tài sản, nhằm tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính trước đây, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự. 

Theo pháp luật của một số nước trên thế giới (Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia...) thì trong hệ thống Toà án có mô hình Toà án giản lược, được tổ chức để giải quyết các tranh chấp có giá ngạch thấp, những vụ việc nhỏ với những tiêu chí nhất định, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật không nghiêm trọng. Ở nước ta, trước đây theo Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/4/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Toà án sơ cấp có thẩm quyền xét xử chung thẩm những án phạt bạc từ 0,5 đồng đến 9 đồng, những án xử bồi thường từ 150 đồng trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại trong một vụ vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu kiện; chung thẩm những việc dân sự, thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định không quá 150 đồng. Theo Sắc lệnh này thì “nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 5 năm tù trở xuống thì Viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên toà không cần có cáo trạng”

Trước khối lượng lớn về công việc như trên, đòi hỏi phải có một Toà chuyên trách để giải quyết thì mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thời hạn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, việc thành lập Toà giản lược có nhiệm vụ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính là rất cần thiết. Việc thành lập Toà giản lược trong cơ cấu tổ chức của TAND không phải để giải quyết các vụ việc hình sự, dân sự theo thủ tục rút gọn, các vụ việc này vẫn do các Toà Hình sự, Toà Dân sự thực hiện. Còn việc thành lập Toà giản lược là để thực hiện nhiệm vụ mà Toà án mới được giao theo Luật xử lý vi phạm hành chính và tùy từng trường địa phương, nơi nào có nhiều việc thì thành lập Tòa chuyên trách, nơi nào ít việc thì không cần thành lập cũng như các Tòa chuyên trách khác.

Trong quá trình thảo luận về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có ý kiến cho rằng cần giao việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho Tòa Hành chính thực hiện. Tuy nhiên, về ý kiến này có thể thấy rằng việc giải quyết các khiếu kiện hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính và việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND có những đặc thù riêng. Việc giải quyết các khiếu kiện hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính là giải quyết việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với một số đối tượng cụ thể theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án là một loại việc mà ở đó Tòa án quyết định việc áp dụng chế tài hay biện pháp mang tính cưỡng chế của Nhà nước đối với người vi phạm pháp luật, trong khi đó việc giải quyết các vụ án hành chính là việc Tòa án giải quyết khiếu kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với quyết định về hành vi hành chính của cơ quan theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Mặt khác, việc giao cho Tòa Hành chính áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND sẽ ảnh hưởng đến việc phân công công việc theo hướng chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Bên cạnh đó, hiện nay, Tòa Hành chính cũng đang phải giải quyết một số lượng lớn vụ án hành chính và tiếp tục có xu hướng tăng mạnh theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Theo số liệu thống kê của TANDTC thì năm 2011 TAND thụ lý 1706 vụ  án hành chính; năm 2012 là 5172 vụ; năm 2013 là 5858 vụ.

Bởi vậy, nếu giao thêm cho Tòa Hành chính thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND sẽ là không hợp lý và không khả thi. Thực tế việc lập Tòa giản lược là nhằm phân công công việc một cách hợp lý khoa học giữa các bộ phận nghiệp vụ xét xử trong TAND sơ thẩm khu vực. Đây không phải là loại Tòa án mới chỉ là bộ phận chuyên trách trong Tòa án sơ thẩm khu vực vì vậy không làm tăng đầu mối các Tòa án. Ngoài ra, việc lập thêm một số Tòa chuyên trách này còn phải thực hiện theo nguyên tắc nơi nào có việc thì mới thành lập, nơi nào ít việc thì chưa lập mà sẽ giao cho Thẩm phán chuyên trách giải quyết.

Vì lý do nêu trên, tôi đề xuất quy định về mặt nguyên tắc trong cơ cấu tổ chức của TAND có Tòa giản lược còn việc lập Tòa này ở Tòa án nào phải tùy thuộc quy mô về công việc, đội ngũ Thẩm phán, công chức của từng Tòa án và do Chánh án TANDTC cân nhắc, quyết định. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa giản lược, tôi đề nghị chỉ quy định trong Luật này về mặt nguyên tắc, còn những quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể sẽ thể hiện trong các luật tố tụng và pháp luật về thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)