Nên quy định những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Trương Minh Tùy Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh| 29/10/2015 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo BLHS (sửa đổi) đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân có nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn xã hội trong giai đoạn mới - là kết quả nghiên cứu công phu của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp.

Cá nhân tôi xin đóng góp ý kiến vào một số quy định của Dự thảo Bộ luật này.

Thứ nhất, tại Điều 2, tôi thống nhất phương án 1: Cá nhân, pháp nhân nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này không áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Trong thực tế, không chỉ cá nhân phạm tội mà cả pháp nhân cũng phạm tội (buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tội phạm môi trường…); quy định tại phương án 1 là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.

Thứ hai, thống nhất cao với việc bổ sung Điều 25 (Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ): Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng các quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không là tội phạm. Người nào không áp dụng đầy đủ quy trình, quy phạm, các biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nên quy định những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự

Một phiên tòa xét xử người chưa thành niên  phạm tội  (Ảnh:TK)

Việc bổ sung điều mới này là rất cần thiết vì chúng ta cần có thiết chế pháp lý để xử lý đúng đắn với những rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm khoa học. Hơn nữa, bản chất của hoạt động khoa học là tìm tòi, sáng tạo cái mới không thể tránh khỏi sai lầm, rủi ro. Đồng thời, nó khuyến khích được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, sáng tạo, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào đời sống, làm cho khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, việc bỏ bớt tội danh tử hình thể hiện tính nhân đạo của chế độ nhưng trong một số trường hợp liên quan đến tội phạm chiến tranh; tội phạm vận chuyển tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy mà bỏ hình phạt tử hình chỉ quy định như Dự thảo thì không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là những hành vi hết sức nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân và đất nước, thuộc loại đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải xử lý nghiêm minh và loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội.

Thứ tư, tại Điều 39 - Tử hình (sửa đổi): Tôi thống nhất với quy định tại khoản 2, không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Tuy nhiên, tại khoản 3, điểm a, điểm b (phương án 1) quy định: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên theo tôi là không cần thiết và không hợp lý, nên tôi đồng ý với phương án 2: Không quy định các trường hợp này bởi khoản 2 đã quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình” đối với các đối tượng này.

Điểm c, phương án 1 quy định là cần thiết nhưng tôi chỉ thống nhất không thi hành án tử hình với Tội tham ô tài sản hoặc Tội nhận hối lộ mà sau khi hết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Riêng đối tượng bị kết án tử hình về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì cần phải thi hành án tử hình vì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của nhiều người; dù có khắc phục bao nhiêu cũng không thể lấy lại được sức khỏe, tính mạng của người dân.

Thứ năm, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, tôi đồng tình với phương án 1, nên quy định những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự để các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng. Không nên quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự như khiển trách, hòa giải, giám sát, giáo dục… như trong Bộ luật Hình sự vì không bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, cũng không nên bỏ khung hình phạt tử hình đối với Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên quy định những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự