Gần 50 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự “thay da, đổi thịt”, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng và cần triển khai nhiều vấn đề để phát triển bức phá.
Đổi thay sau 50 năm
Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên hơn 40.000 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. ĐBSCL có khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn 1.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân.
ĐBSCL được xem là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Cũng như những vùng khác, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng ĐBSCL cũng gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa, nhiều hộ dân thiếu gạo ăn lúc giáp hạt. Hệ thống điện, đường, trường, trạm gần như chưa có gì.
Năm 2000, sau 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội (1991 – 2000) và 15 năm đổi mới, nền kinh tế cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và hội nhập kinh tế quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, khu vực các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng nằm trong xu hướng phát triển chung đó.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2001 – 2010) và để định hướng phát triển kinh tế vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 – 2010.
Sau khi tổng kết 9 năm thực hiện Nghị quyết 21, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận 28-KL/TW ngày 14/8/2012 đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2011 – 2020.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết và sự vượt khó nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các địa phương vùng ĐBSCL, đến năm 2020 quy mô kinh tế của Vùng đã đạt khoảng 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng 8 lần so với năm 2004, đạt 46,47 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 3/6 vùng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%..
Từ chỗ thiếu lương thực, vùng ĐBSCL đã vươn lên trở thành “vựa lúa”, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. ĐBSCL được cả thế giới biết đến là nơi cung cấp gạo xuất khẩu lớn thứ 3 của thế giới.
Về hệ thống hạ tầng giao thông, vùng ĐBSCL có 2 sân bay nội địa, 2 sân bay quốc tế; có đường biển vận tải hàng hóa thông qua kênh đào Quan Chánh Bố, cửa Định An, Trần Đề. Hệ thống giao thông đường bộ đã có hơn 100km đường cao tốc và hàng trăm km đường cao tốc trụ dọc, trục ngang đang được tiếp tục đầu tư…
Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ
Khu vực ĐBSCL không chỉ có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp mà vùng này còn có nhiều tiềm năng về công nghiệp dầu khí và năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng thủy triều, địa nhiệt…
Vùng ĐBSCL còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khi đến hàng trăm hòn đảo, có 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều khu đất ngập nước, rừng nhiệt đới có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế đó là: rừng tràm Trà Sư (An Giang), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang)…
Tuy nhiên, theo nhận định từ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 21, Kết luận 28 của Bộ Chính trị: ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. Hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu hướng tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng không có nguồn lực mới để phát triển.
Qua nhiều thập niên, nền tảng, cấu trúc kinh tế ĐBSCL đang gặp vấn đề, dù được định hình và thay đổi; xu hướng cơ cấu lại chuỗi cung ứng sản xuất, cải thiện năng suất là một cơ hội lớn, nhưng còn chậm. Từ lâu, ĐBSCL luôn được coi là “vựa lúa” của Việt Nam và trên thế giới, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực. Điều này khiến cơ hội tăng trưởng và phát triển kinh tế ĐBSCL suy giảm vì phải thâm canh lúa kéo dài, không được chuyển đổi đất trồng sang mục đích khác, khiến tỷ trọng nông nghiệp cao nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp. Ngoài ra, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.
Cần gì để bứt phá?
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 2/4/2022 đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể phát triển ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, ĐBSCL phải là vùng phát triển hiện đại, nhanh và bên vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bố hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá và con người Nam Bộ; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được gìn giữ và phát huy; quốc phòng và an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Phát biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để triển khai thực hiện Nghị quyết 13có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững, trong đó cần quan tâm các nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai có kết quả “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; chú trọng huy động các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.
Thứ tư, chuyển đổi nông nghiệp một cách toàn diện, cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”.
Thứ năm, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với trọng tâm, trọng điểm theo tiềm năng và lợi thế của vùng. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, trong mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ bảy, chủ động huy động nguồn lực, phát huy vai trò đóng góp của doanh nghiệp, người dân cùng phát triển địa phương. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL.
Thứ tám, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tăng cường quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng.
Thứ chín, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Thứ mười, xây dựng Đảng bộ tỉnh, thành phố trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và uy tín với nhân dân.