Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2024 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; đồng thời đề xuất thay thế Nghị định số 23/2024/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện trong hoạt động đấu thầu.
Dự thảo mới đề xuất sửa đổi 32 điều, bổ sung 7 điều và bãi bỏ 3 điều trong tổng số 75 điều của Nghị định 115 hiện hành. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất tích hợp, thay thế toàn bộ nội dung Nghị định 23/2024/NĐ-CP vào nghị định sửa đổi, nhằm loại bỏ sự trùng lặp, bởi hiện có tới 55 điều trong hai nghị định này giống nhau về quy trình, thủ tục và giám sát đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc hợp nhất các quy định sẽ giúp tạo nên một khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và dễ thực thi, thay vì tồn tại song song nhiều văn bản có nội dung chồng chéo. Các nội dung riêng biệt giữa hai nhóm dự án, gồm dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án thuộc ngành, lĩnh vực đặc thù – sẽ được lồng ghép vào các điều khoản thích hợp trong nghị định sửa đổi.
Trọng tâm của đợt sửa đổi này là đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời tăng cường phân cấp cho địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. Dự thảo cũng hướng tới nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu thông qua mở rộng đối tượng ưu đãi và cải tiến cách tính điểm ưu tiên.
Theo đó, những nhà đầu tư là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ sẽ được ưu tiên trong đánh giá hồ sơ. Đây là một trong những bước đi nhằm khuyến khích khu vực kinh tế đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư chất lượng cao và mang tính lan tỏa.
Một thay đổi đáng chú ý khác là việc bỏ tiêu chí bắt buộc phải có “kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự” – tiêu chí lâu nay được cho là gây hạn chế cạnh tranh và cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư mới, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới, các mô hình đầu tư sáng tạo hoặc quy mô nhỏ.
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ, nguyên tắc xét thầu, và quy trình đấu thầu, sao cho đơn giản và thống nhất hơn với quy định về lựa chọn nhà thầu trong các hoạt động đấu thầu truyền thống. Mục tiêu là rút ngắn tối đa thời gian đấu thầu, giảm thủ tục trung gian và nâng cao hiệu quả thực tiễn.
Cùng với đó, dự thảo cũng sửa đổi các điều khoản liên quan đến trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm và tình huống phát sinh trong quá trình đấu thầu, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao tính ràng buộc pháp lý trong thực thi.
Việc sửa đổi nghị định lần này được đánh giá cấp thiết, trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất hoặc dự án PPP đang gặp vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Tình trạng kéo dài thời gian đấu thầu, quy trình phức tạp và thiếu tính minh bạch là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư công và nguồn lực xã hội.
Việc ban hành nghị định sửa đổi, thay thế cả Nghị định 115 và 23, không chỉ hướng tới tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai dự án đầu tư, mà còn là bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và hấp dẫn hơn cho mọi thành phần kinh tế.