Đời sống

Sử dụng nguồn nước hợp lý, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Minh Lý 21/03/2024 - 18:00

Nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) và Ngày Khí tượng thế giới (23/3). Ngày 21/3, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang tổ chức Hội thảo “Quản lý, chia sẻ nguồn nước bền vững lưu vực sông Mê Kông Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có nguồn nước ngọt khá phong phú nhưng là một trong những quốc gia sử dụng nước kém hiệu quả nhất hiện nay. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiệu quả sử dụng nước hiện chưa cao và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, bất cập.

Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang chia sẻ, cũng như các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, sự phát triển của các đập thủy điện thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy. Điều này khiến tình trạng sạt lở tăng kỷ lục, sạt lở sâu trong cả các kênh rạch nội đồng. Địa phương đã và đang đối mặt với nguy cơ hạn hán, hạn hán cục bộ (đặc biệt là các huyện ở vùng núi như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn) và xâm nhập mặn.

Theo ông Tô Hoàng Môn, An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; quy định chi tiết các nội dung về phân bổ nguồn nước cho các nhu cầu sử dụng nước trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho các địa phương hạ lưu sông Tiền, sông Hậu; đồng thời, xác định phân vùng chức năng sử dụng nguồn nước nhằm định hướng công tác bảo vệ và quản lý các nguồn nước trên địa bàn.

db-song-cuu-long.png
Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều chuyên gia dự Hội thảo cũng cho rằng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại một số bất cập trong quản lý tài nguyên nước như: Chưa dự đoán được nguồn nước sông Mê Kông đổ về sông Cửu Long do nhiều yếu tố tác động ở thượng nguồn; tình trạng sạt lở bờ sông và kênh, rạch, đê bao ngày càng gia tăng; sự suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là thủy sản và ô nhiễm nguồn nước một số đoạn sông kênh, rạch…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, hiện Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa về tính ổn định xã hội, bền vững tài nguyên nước, môi trường. Nguyên nhân là do xây dựng các thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông làm suy giảm lưu lượng nước và thay đổi lũ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, vùng đang đối mặt với những thách thức lớn bởi khô hạn, sạt lở, sụt lún đất bờ sông, bờ biển… Do đó, để bảo vệ nguồn nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố trong vùng cần cắt giảm công nghiệp xả thải thiếu kiểm soát; tăng cường bảo tồn nguồn nước, sử dụng hợp lý nguồn nước; quan trắc và giám sát chất lượng nước; chia sẻ nguồn nước; tiếp tục đối phó với các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới, đặc biệt là thủy điện…

Tiến sỹ Lê Phát Quới, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học, Môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động của nhiều yếu tố, nguồn nước ngày càng thiếu hụt. Do đó, để sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho sử dụng đất, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đánh giá lại sự phân bố và tính chất các loại đất; tái cơ cấu hệ thống nông nghiệp, cây trồng; bổ sung hệ thống chứa và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng bản đồ về tính chất đất đai của từng vùng đất, khu vực cụ thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó có kế hoạch phân bổ nguồn nước, cách thức trữ nước, tưới tiêu hiệu quả, phù hợp với từng vùng đất, phục vụ sản xuất và sinh kế của người dân.

Các chuyên gia kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động và giải pháp cụ thể về quản lý tài nguyên nước theo hướng hợp tác liên vùng, xuyên biên giới; triển khai hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh để bảo đảm thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Kông...

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, được hình thành bởi 2 hệ thống sông chính là sông Tiền và sông Hậu với tổng chiều dài các tuyến 14.826 km. Là hạ nguồn cuối cùng của hệ thống sông Mekong, mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long nhận xấp xỉ 500 tỷ m3 nước từ thượng nguồn đổ về. Lưu lượng trung bình của sông Mekong vào mùa lũ khoảng 39.000m3/giây nhưng vào mùa khô trung bình chỉ còn 2.500m3 /giây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng nguồn nước hợp lý, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững