Ngày 24/10, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.A.T. (2 tuổi, ở Cao Bằng) bị chó tấn công.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Linh - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho hay, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có vết thương vùng má, rạn sọ. Ngoài ra, toàn bộ nhãn cầu bị trật ra khỏi hốc mắt gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.
Theo lời kể của gia, trước đó bé sang nhà hàng xóm chơi. Trong lúc chơi đùa, bé đã bị chó becgie nhà hàng xóm nặng khoảng 40 kg lao vào cắn. Gia đình phát hiện xông vào đánh đuổi chó ra ngoài rồi đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Con chó nặng 40 kg nhà hàng xóm nuôi chưa tiêm phòng dại. Ảnh minh hoạ
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu, phẫu thuật vết thương da đầu và má. Đội ngũ y tế phải đưa nhãn cầu trở lại trong hốc mắt trẻ, sau đó dùng băng chun ép để bảo vệ mắt và giữ cho nhãn cầu không bị trật ra ngoài. Hiện chưa thể đánh giá được khả năng nhìn của bé sau tai nạn.
Nguy hiểm hơn, do chó becgie nhà hàng xóm chưa được tiêm phòng dại nên sau khi phẫu thuật cho bệnh nhi, các bác sĩ đã đưa bé đi tiêm phòng dại rồi chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp tục theo dõi và điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ, không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Hàng năm, chó phải được tiêm vắc xin ngừa bệnh dại đúng kỳ. Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt, chủ nuôi phải quản thúc và rọ mõm cho chó.
Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Đồng thời, sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.