Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình mới ghi nhận một người tử vong do bệnh dại. Đây là trường hợp thứ 3 tử vong do bệnh này từ đầu năm 2023 đến nay.
Bệnh nhân là học sinh P.T.B.V. (SN 2015, ở xã Hóa Thanh), đang điều trị bệnh Thalassemia.
Theo lời kể của người nhà, cách đây gần 4 tháng, gia đình đã nuôi một con chó không rõ nguồn gốc. Sau vài ngày nuôi, con chó đã cắn cháu V. ở chân trái, chảy lượng máu ít. Tuy nhiên cháu không được xử trí vết thương, không tiêm vaccine phòng dại, mà chỉ được cắt thuốc nam về uống. Con chó nói trên cũng bị gia đình bé V. tiêu hủy.
Suốt thời gian chưa phát bệnh, cháu bé không có biểu hiện gì bất thường. Ngày 21/8, cháu V. vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị bệnh Thalassemia theo liệu trình.
Đến ngày 25/8, phát hiện bệnh nhân sốt cao, tăng tiết nước bọt, mệt mỏi, nhức đầu, sợ nước, sợ ánh sáng, co giật. Bệnh nhân được đưa đi làm xét nghiệm và được chẩn đoán bệnh dại.
Tiếp đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị. Đến 16h ngày 28/8, Bệnh viện Trung ương Huế trả về, trên đường về bệnh nhân đã tử vong.
Ngày 29/8, Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa tiến hành điều tra dịch tễ, chỉ đạo Trạm Y tế xã Hóa Thanh tăng cường giám sát địa bàn để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời những tình huống cần thiết. Chính quyền địa phương và ngành y tế cũng tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.
Trước đó, Quảng Bình ghi nhận 2 trường hợp tử vong là N.T.H. (SN 1974, trú phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới) và một cháu bé 3 tuổi tại thôn Thuận Hoan (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa). Các trường hợp này đều không tiêm vaccine phòng dại khi bị chó cắn.
"Khi bị chó cắn, bệnh nhân cần được đưa tới ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị dự phòng, tiêm vaccine phòng bệnh dại, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị, khi đã phát bệnh hầu như tử vong 100%", CDC Quảng Bình khuyến cáo.