Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 56 tỉnh chi vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT với số tiền trên 8.480 nghìn tỷ đồng.
Thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 7/2017 diễn ra chiều 26/7, BHXH Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận 75,9 triệu hồ sơ điện tử với số tiền đề nghị thanh toán trên 39.304 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh (14,3%) và trên 10 nghìn tỷ đồng (30,1%) so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy có tới 56 tỉnh chi vượt quỹ khám chữa bệnh được sử dụng 6 tháng đầu năm trên 8.480 tỷ đồng. Các tỉnh có số chi vượt quỹ lớn là: Nghệ An (627,2 tỷ - vượt 65% quỹ), Thanh Hóa (595,6 tỷ - vượt 52% quỹ), Quảng Nam (411,2 tỷ - vượt 82% quỹ), Quảng Ninh (288,8 tỷ - vượt 54% quỹ), Hải Dương (283,6 tỷ - vượt 44% quỹ), Hà Tĩnh (208,4 tỷ - vượt 55% quỹ).
Đã có 56 tỉnh chi vượt quỹ KCB được sử dụng 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh minh họa
Nói về con số đề nghị thanh toán trên 39 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết con số này đang vượt so với dự kiến của BHXH Việt Nam. Căn cứ theo số liệu tạm ứng kinh phí đến hết quý III/2017 đã có 22 tỉnh, thành phố vượt quá dự toán kinh phí năm 2017.
Dù 39 nghìn tỷ đồng mới là con số các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán và cơ quan BHXH sẽ phải thẩm định, nhưng theo ông Phạm Lương Sơn, nếu giả định phải chi hết con số này (sẽ chiếm khoảng 42% tổng chi phí cả năm theo dự toán) thì cả năm 2017 số chi khám chữa bệnh BHYT sẽ rơi vào khoảng trên 80 nghìn tỷ, vượt xa so với con số dự báo. “Khả năng cân đối quỹ BHYT năm 2017 là đáng báo động”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đại diện của BHXH Việt Nam cho biết hiện đã chỉ đạo các bộ phận chức năng lên danh sách các tỉnh đến hết quý III/2017 bằng con số tạm ứng đã vượt hết dự toán cả năm. Từ đó, BHXH Việt Nam gửi văn bản đến UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo BHXH tỉnh báo cáo đúng tinh thần mà BHXH Việt Nam đã gửi cho tỉnh để cả hệ thống chính trị địa phương phải vào cuộc.
“Nếu UBND tỉnh và sở y tế địa phương không vào cuộc một cách quyết liệt thì BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ về tình trạng này, là một căn cứ để Chính phủ cho phép tạm ứng tiếp và BHXH có cơ sở để tạm ứng từ nguồn dự phòng, nếu không sẽ có tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện khám bệnh sẽ không có thuốc, không cung cấp được dịch vụ y tế”, PTGĐ BHXH Việt Nam nói.
Ngoài danh sách “đỏ” tương ứng 22 tỉnh đã có con số tạm ứng dự toán cả năm, BHXH Việt Nam còn lên danh sách những tỉnh, thành phố có nguy cơ vượt dự toán để cảnh báo trước.
Trước khả năng báo động của việc vượt chi quỹ BHYT trong 6 tháng đầu năm cũng như trong cả năm 2017, BHXH Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, kiểm soát chặt chẽ trong việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh thực sự hiệu quả và theo đúng tinh thần của Nghị quyết 21 “thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.