Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc sâu, sát trong chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của ngư dân, Thanh Hóa quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới. Khi tư tưởng người dân đã thông suốt thì tự động họ sẽ chấp hành để bảo vệ quyền và trách nhiệm của mình khi đánh bắt trên biển.
Thanh Hóa có 102 km chiều dài bờ biển, diện tích vùng biển là 17.000 km². Khu vực ven biển có diện tích hơn 1.230,6 km², với 6 huyện, thị xã, thành phố (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Nghi Sơn), có 7 cửa lạch, trong đó có 5 cửa lạch lớn, gồm: Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng, các cửa lạch ăn sâu vào đất liền nên thuận lợi cho việc phát triển các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hình thành các trung tâm nghề cá kể cả nuôi trồng, khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến thuỷ sản.
Vùng biển Thanh Hóa được đánh giá có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng, hiện có khoảng 426 loài thuộc 203 giống nằm trong 101 họ hải sản, chiếm 68,7% tổng số loài bắt gặp ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt tại khu vực biển Hòn Mê có các loài quý hiếm có giá trị kinh tế như: bào ngư, ốc đụn, ốc xà cừ, bàn mai, trai ngọc môi đen, trai ngọc môi vàng, mực thước, mực nang, cá mú, cá hồng, cá chình, cầu gai, tôm he, hải sâm,...
Tổng số tàu cá tính đến ngày 22/4/2024 là 6.057 chiếc; trong đó: tàu cá hoạt động vùng ven bờ là 4.246 chiếc, chiếm 70,1%; vùng lộng là 716 chiếc, chiếm 11,8% và vùng khơi 1.095 chiếc, chiếm 18,1% tổng số tàu cá. Số lao động tham gia trực tiếp trên biển là 24.500 lao động, trong đó: Vùng ven bờ: 9.100 lao động; vùng lộng: 5.100 lao động; vùng khơi 10.300 lao động.
Sản xuất thủy sản năm 2023 đạt 215.659 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 142.143 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 73.516 tấn. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.150 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác biển ước đạt 43.507 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp để tạo sự chuyển biến trong quản lý tàu cá. Cơ quan chức năng đã nhập 2.748 tàu cá (100% tàu cá thuộc diện phải đăng ký có chiều dài từ 6m trở lên) vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Thiết bị giám sát hành trình: Lắp đặt được 1.095/1.095 tàu cá, đạt 100%. Số tàu cá còn hạn đăng kiểm: 1.472/1.811 chiếc, đạt tỉ lệ 81,3%.
Đánh dấu tàu cá: 2.748/2.748 tàu, đạt tỉ lệ 100%. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 1.049/1.095 tàu cá, đạt tỉ lệ 95,8%. Cấp giấy phép khai thác thuỷ sản: 2.709/2.748 chiếc, đạt tỉ lệ: 98,6%. Đối với tàu cá mất kết nối nhiều ngày, cơ quan chức năng đã làm việc cụ thể với từng chủ tàu để xác minh, làm rõ nguyên nhân. Các trường hợp lỗi do cố tình sẽ bị lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng. Phân công viên chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác cập, xuất cảng, đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, sắp xếp tàu vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng.
Trong năm 2023, tại 3 cảng cá chỉ định có 2.179 lượt tàu rời cảng, 1.291 lượt tàu cập cảng, thu nhật ký khai thác thủy sản 1.081 tàu, sản lượng thủy sản qua cảng: 9.910,37 tấn. 4 tháng đầu năm 2024, tại 3 cảng cá chỉ định có 782 lượt tàu rời cảng, 436 lượt tàu cập cảng, thu nhật ký khai thác thủy sản 436 tàu, sản lượng thủy sản qua cảng đạt 1.980,34 tấn.
Trong năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, cửa sông, cửa lạch, kiểm tra 157 tàu cá, xử lý 92 tàu với tổng số tiền 1.664.200.000 đồng.
4 tháng đầu năm 2024, các lượng lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường công tác rà soát, xác minh và làm việc với các chủ tàu cá (người nhà chủ tàu) vi phạm, tàu các có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tập trung lực lượng, thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, các cửa lạch và tại cảng cá. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, các chủ tàu cá đã cam kết không tái phạm.
Trao đổi với PV, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Xuân Đồng, cho biết: Bằng nhiều giải pháp thiết thực, ngư dân đã hiểu được các chủ chương, chính sách của nhà nước là bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng là bảo vệ quyền lợi lâu dài của người dân. Chính vì vậy mà số vụ việc vi phạm ngày một ít dần.
Thời gian tới, các đơn vị, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định về chống khai thác IUU. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, nhất là ở cấp xã/phường ven biển trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của từng tàu cá, nắm vững địa bàn quản lý.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển.
Phát huy vai trò của người có uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng ngư dân, mở rộng hoạt động của Tổ đoàn kết, đồng thời hỗ trợ ngư dân khi gặp các sự cố xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại cảng cá, tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ thủ tục và duy trì thiết bị giám sát tàu cá theo quy định.
Tập trung rà soát xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không có giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác.
Yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình khẩn trương khắc phục những tồn tại trong quá trình lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình. Phối hợp với Chi cục Thủy sản xác định nguyên nhân mất kết nối trên biển hàng ngày và có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kịp thời khắc phục sự cố của thiết bị do đơn vị mình cung cấp.
Đẩy mạnh phát triển và chuyển dịch cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị gắn với tổ chức lại sản xuất và chuyển dịch dần từ khai thác thủy sản sang nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản gắn với du lịch giải trí.
Huy động đa dạng các nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng quy định.
“Thẻ vàng” thủy sản là thẻ phạt của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với quốc gia không tuân thủ quy định IUU. Năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU đối với thủy sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ. Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị. Dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây, đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác thủy sản IUU của Việt Nam.