Với những quyết tâm và nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, Việt Nam phấn đấu phát triển ngành khai thác thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Nhiều chuyển biến tích cực
Kể từ ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một số khuyến nghị, bao gồm hoàn thiện thể chế, kiểm soát đội tàu khai thác, tăng cường thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC đã tác động lớn tới ngành thủy sản Việt Nam.
Chẳng hạn, trong khoảng thời gian kể từ ngày chiếc thẻ này có hiệu lực, toàn bộ sản phẩm thủy sản được khai thác từ biển nếu xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại kiểm tra về nguồn gốc khai thác. Do đó, thời gian thông quan kéo dài từ 10 - 15 ngày. Điều này vô tình gây mất thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, làm ảnh hưởng đến quá trình nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của các nhà nhập khẩu.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp phải tiếp tục tốn thêm khoảng chi phí để các nước nhập khẩu kiểm tra nguồn gốc, ước tính 500 bảng Anh/1 container, chưa kể đến phí lưu kho.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" (từ ngày 23/10/2017) đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực.
Trong đó, cải thiện đáng kể nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương.
Kết quả của những nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" thể hiện rõ nhất ở việc tỉnh Bình Thuận - một địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ khai thác chồng lấn vùng biển - hơn 3 năm qua, không ghi nhận thêm trường hợp khai thác hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài.
Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành chỉ thị về ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp. Từ tháng 1/2018, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp. Điều này thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành của tỉnh để chấm dứt tình trạng này. Bên cạnh đó là xử lý, xử phạt kiên quyết kết hợp tuyên truyền các trường hợp ngư dân không khai báo, đánh bắt không theo quy định.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra một số tồn tại mà ngành thủy sản cần khắc phục, đó là đội tàu của nước ta vẫn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.
Quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ "thẻ vàng"
Với quyết tâm, nỗ lực để hướng tới khai thác thủy sản bền vững, các cơ quan chức năng phải triển khai hết sức quyết liệt các giải pháp để gỡ được "thẻ vàng".
Trong Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 12/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao, đến tháng 5/2023 phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác.
Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác,...
Đặc biệt, về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng,...
Để sớm tháo gỡ thẻ vàng, không đâu khác, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chính các địa phương, trong đó, cần quan tâm đến từng "ngóc ngách" của vấn đề còn khó khăn, đi sâu, đi sát với cơ sở, tại những cảng cá, tàu cá còn vi phạm...để nắm tình hình để có các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần thực hiện trọng tâm, trọng điểm, nhằm trúng vào các đối tượng đang có nguy cơ cao vi phạm IUU, để từng bước thuyết phục, chuyển tình thế.
Cùng với đó là tập trung nguồn lực cả về cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị để cùng tập trung cho cao độ cho công tác chống IUU, sẵn sàng triển khai công tác này ngay bất cứ lúc nào, kể cả trong ngày nghỉ.
Thứ nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh trong quản lý, giám sát đội tàu. Đặc biệt, trong công tác xử phạt tàu cá vi phạm, cần được thực hiện nghiêm, thống nhất và đồng bộ giữa các tỉnh, tránh mỗi tỉnh một kiểu làm giảm sức răn đe đối với các tàu cá còn hành vi vi phạm.
Từ nay đến khi Đoàn thanh tra EC sang làm việc với Việt Nam lần thứ 4 không phải là thời gian dài, nhưng nếu có quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ, tập trung mọi nguồn lực sẵn có và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản đã được ban hành, kỳ vọng chúng ta sẽ sớm gỡ được thẻ vàng trong năm 2023.
Việt Nam đã bắt đầu thay đổi tích cực, phát triển khai thác, sản xuất thủy sản theo hướng bền vững, minh bạch, bảo vệ tài nguyên, nguồn lực trong nước và thế giới. Đây cũng là căn cứ làm tiền đề để EC tiến hành tháo gỡ "thẻ vàng" IUU cho thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất.