Gần 100 thủ tục hành chính được công bố trực tuyến

Mai Thoa| 31/07/2019 21:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại buổi họp báo của Bộ Tư pháp chiều 30/7, nhiều thông tin đáng chú ý về công tác xây dựng pháp luật, bồi thường oan sai, hay thu hồi sổ đỏ tại các dự án nhà ở sai phạm được công bố.

Thi hành án quý 2 đạt tỷ lệ 60,24%

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tiếp tục tăng một bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá.

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được quan tâm. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác; tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL.

Công tác thẩm định VBQPPL đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng vừa qua, toàn ngành đã thẩm định được 2853 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp thẩm định được 105 dự thảo. Công tác THADS 8 tháng đầu năm 2019 cơ bản đạt tiến độ. Về việc, đã thi hành xong 336.404 việc, đạt tỷ lệ 60,24%. Về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,01%. Nhiều chính sách quan trọng được Bộ Tư pháp tham mưu, chủ trì xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Một nội dung đáng chú ý là việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-BTP ngày 17/7/2019 công bố Danh mục thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp gồm 96 thủ tục hành chính thuộc 12 nhóm lĩnh vực (cụ thể, lĩnh vực Đăng ký biện pháp bảo đảm; Lý lịch tư pháp; Nuôi con nuôi; Quản tài viên; Công chứng; Trọng tài thương mại; Luật sư; Đấu giá tài sản; Hòa giải thương mại; Thi hành án dân sự; Bồi thường Nhà nước; Phổ biến giáo dục pháp luật).

Theo dõi việc tố cáo chiếm đoạt tiền bồi thường

Tại buổi họp báo, nhiều nội dung mà dư luận quan tâm đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp trả lời, như các nội dung liên quan đến thi hành án dân sự, bồi thương nhà nước, tổ chức cán bộ, giám định tư pháp...

Gần 100 thủ tục hành chính được công bố trực tuyến

Quang cảnh buổi họp báo

Liên quan đến vụ việc ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được bồi thường oan sai trên 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về nhà trên 2 tỷ đồng, ông Trần Văn Thêm đã có đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Hòa có dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường oan sai của ông. Sau khi có đơn, ông Nguyễn Văn Hoà (người bị tố cáo) đã tổ chức cuộc gặp ông Thêm và một số người có liên quan với sự chứng kiến của một số phóng viên các cơ quan báo chí. Ông Hoà đã thừa nhận giữ của ông Thêm 40% số tiền bồi thường oan sai và một sổ tiết kiệm tiền gửi tại ngân hàng trị giá 500 triệu đồng.

Biên bản cuộc làm việc còn cho thấy, anh Trần Văn Được xác nhận việc ông Thêm đưa cho ông Hoà 2,7 tỷ đồng là đúng. Anh Được cũng thừa nhận đang cầm của ông Thêm 1,35 tỷ đồng.

Như vậy, ông Hoà và anh Được đang giữ của ông Thêm tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Cả hai người này đều đưa ra giấy tờ chứng minh việc ông Thêm chấp thuận cho họ giữ tổng cộng 60% số tiền bồi thường oan sai.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Bộ Tư pháp đang theo dõi vụ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa rõ ông Trần Văn Thêm nhờ ông Nguyễn Văn Hòa với tư cách cá nhân hay với tư cách là Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoà Lợi trong việc đòi bồi thường oan sai. Bà Mai khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu có việc lợi dụng thân chủ để nhận tiền.

Cũng theo bà Mai, khi xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trước đây đã giảm tối đa thủ tục, tránh phát sinh phiền hà cho người dân. Chính vì thế luật chỉ quy định việc chi trả tiền bồi thường oan sai (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản một lần) giữa cơ quan bồi thường và người yêu cầu bồi thường (có thể người trực tiếp oan sai hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ), mà không cần phải có mặt người thân thích trong gia đình.

Về vấn đề thu hồi gần 400 sổ đỏ của người dân đang sinh sống tại các dự án nhà ở có sai phạm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế đã trả lời các câu hỏi liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thu hồi số sổ đỏ này. Ông Hải cho rằng, việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tư pháp không phải cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nhưng về mặt pháp lý thì theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ việc thu hồi phải có căn cứ. Điều 106 luật này quy định, giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền, sai đối tượng sử dụng đất, diện tích đất, điều kiện được cấp, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định thì bị thu hồi. Đi vào trường hợp cụ thể ở các dự án chung cư sai phạm, vị đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần phân biệt, tách bạch quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm.

Giả thiết trong trường hợp chủ đầu tư dự án có sai phạm thì người dân mua nhà cũng không có sai phạm gì. Nên theo quy định của Bộ luật Dân sự, trường hợp người mua nhà đất của ông chủ dự án có quyết định cho phép thực hiện dự án, bán nhà cho người dân, thì sau khi quyết định đó có vấn đề, bị sửa đổi, bổ sung cũng không ảnh hưởng gì tới quyền của người mua nhà đất đã được cấp giấy.

Việc thu hồi sổ đỏ phải có quyết định hành chính, nếu việc ban hành quyết định đó không đúng thì người dân có quyền khiếu kiện, và thu hồi không đúng thì phải trả lại sổ đỏ cho người dân, thậm chí phải bồi thường thiệt hại, ông Hải nêu quan điểm.

Trước đó, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xung quanh việc thu hồi sổ hồng của cư dân trong các chung cư có sai phạm. Tại buổi họp này phía Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dừng ngay việc thu hồi sổ hồng chung cư Mường Thanh để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Lãnh đạo Bộ này cũng cho biết đã có chỉ đạo xử lý, yêu cầu xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm mà không giám sát thì cũng phải xử lý, không để người dân là nạn nhân. Đồng thời, Tổng cục Quản lý đất đai- Bộ Tài nguyên Môi trường cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thống kê đầy đủ hiện tại còn bao nhiêu sổ hồng trong diện phải thu hồi và báo cáo Bộ để có phương án xử lý.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đã thu hồi 384 sổ hồng trên tổng số 3.600 sổ. Theo cơ quan này, những sổ hồng đã thu đều nằm trên phần diện tích có sai phạm, chưa khắc phục được.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 100 thủ tục hành chính được công bố trực tuyến