Việc không thể không làm

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lại một tháng 7 tri ân, một mùa đền ơn đáp nghĩa nữa về. 35 năm sau chiến tranh nhìn lại, thời gian đủ dài để kiến thiết đất nước từ đống hoang tàn, nhưng lại quá ngắn để xoa dịu nỗi đau còn hằn sâu trong hàng triệu gia đình.

Hàng ngàn hàng vạn thân nhân liệt sĩ vẫn mong mỏi tìm lại hình bóng, trả lại tên tuổi cho những người anh hùng. Trong cuộc kiếm tìm trường kỳ và nhiều khi chỉ dựa vào niềm tin ấy, đôi lúc phải sử dụng đến cả những cứu cánh mang hơi hướng tâm linh - như phương pháp ngoại cảm, để có được những thông tin hữu ích. Có điều, những gì còn lại dưới lòng đất thường không đủ để thân nhân những người đã khuất tin tưởng rằng đã tìm lại được di hài liệt sĩ. Đó chính là lúc những phương pháp khoa học có độ chính xác cao như nhân trắc học, dựng hình khuôn mặt từ xương sọ, và đặc biệt là giám định ADN để xác định huyết thống, phát huy sức mạnh của mình.

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến Viện Công nghê sinh học (Viện khoa học Việt Nam) để tìm hiểu về phương pháp giám định gen định danh liệt sĩ, “thực mục sở thị” nơi công nghệ cao cùng góp phần vào công tác “đền ơn đáp nghĩa” của cả dân tộc.

Giám định gen luôn phải tuân theo một quy trình chặt chẽ

Định danh liệt sĩ theo di truyền dòng mẹ

Khó có thể kể hết những phương pháp đã từng được sử dụng trong quá trình tìm kiếm và định danh hài cốt liệt sĩ: dựa vào sơ đồ mộ chí, dựa vào ký ức của người trực tiếp chôn cất, dựa vào những đặc điểm nhân trắc học trên hài cốt thông qua giám định pháp y, cho đến cả những biện pháp mang hơi hướng tâm linh như ngoại cảm, lên đồng gọi hồn… Tất cả đều có thể, tất cả đều đáng quý miễn là trả được tên cho các anh một cách chính xác. Trong số các phương pháp đó, giám định gen có lẽ là phương pháp có “hàm lượng” khoa học và độ chính xác cao nhất. PGS-TS. Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết. giám định gen là công tác sử dụng các vật chất di truyền còn sót lại trong hài cốt, có thể là từ xương, răng để so khớp với mẫu sinh phẩm do thân nhân của liệt sĩ cung cấp. “Nếu quá trình lấy mẫu diễn ra đúng quy trình thì giám định gen mang lại kết quả – khẳng định hay phủ định – với độ tin cậy rất cao, tiệm cận tới 100%. Bởi thế, có thể coi đây là biện pháp cuối cùng để kiểm chứng lại độ tin cậy của các thông tin đã khá đầy đủ trước đó, đặc biệt là dùng để xác định từng liệt sĩ trong một nhóm hài cốt với danh sách được xác định chính xác từ trước, điều vẫn rất thường xảy ra trong chiến tranh”, TS. Hải cho biết.

Là một phương pháp công nghệ nên giám định gen dựa trên những cơ sở lý thuyết và thực nghiệm hết sức vững chắc, đồng thời phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ. PGS-TS. Lê Quang Huấn, người trực tiếp phụ trách công tác giám định gen tại Viện cho biết: “Có đôi chút khác biệt so với giám định gen thông thường, ví dụ như xác định quan hệ cha con, ở đây chúng tôi không sử dụng vật chất di truyền trong nhân tế bào mà sử dụng vật chất di truyền trong bào quan, tức là các ADN ty thể. Chính vì vậy, việc xác định quan hệ huyết thống với liệt sĩ chỉ có thể được thực hiện theo dòng mẹ”. TS.Huấn giải thích, các ADN ty thể (mtADN) chỉ chiếm dưới 1% ADN tổng số của tế bào nhưng chúng lại có số lượng bản sao lớn. mtADN có cấu trúc dạng mạch vòng và có tính bền vững hơn đáng kể so với ADN mạch thẳng trong nhân tế bào, vốn rất dễ bị phân hủy sau khi chết do tác động của các enzyme. “Đương nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế nhất định vì chỉ có thể so khớp với các thân nhân thuộc dòng mẹ của liệt sĩ, như mẹ ruột, các anh chị em cùng mẹ ruột, các cháu gọi liệt sĩ bằng cậu ruột (con của chị em gái liệt sĩ), mà không thể xác định được thông qua con ruột do đa phần liệt sĩ là nam giới. Tuy nhiên, do di truyền dòng mẹ có tính bền vững tương đối trong vòng 5 - 6 đời nên cho đến thời điểm này việc nghiên cứu cây phả hệ để tìm người cho mẫu không phải là vấn đề gì quá khó khăn, nhưng chắc chắn là sẽ gặp trở ngại trong vòng 10 – 15 năm tới”.

Dẫn chúng tôi tham quan các trang thiết bị máy móc được sử dụng trong labo của Viện, TS.Huấn cho biết, việc giám định gen được chia thành nhiều bước, bao gồm từ tách ADN từ mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm; nhân bản các đoạn gen đặc hiệu; tách dòng gen; xác định trình tự gen; so sánh trình tự gen và lập cây phả hệ bằng phần mềm chuyên dụng. Toàn bộ quá trình này nếu suôn sẻ thì mất khoảng 3 tuần và đòi hỏi tuân thủ quy trình chặt chẽ. Mẫu ADN không những được so khớp với mẫu sinh phẩm của thân nhân mà còn phải so với mẫu của người làm giám định (để khẳng định không có sự pha tạp mẫu) và mẫu đối chứng (để xác định tính hiệu quả của đoạn gen đặc hiệu).

Dùng khoa học làm công tác đền ơn đáp nghĩa

Quả thực, so với số lượng hơn 300.000 liệt sĩ còn chưa được xác định danh tính, cùng với đó là nỗi ngóng chờ và dằn vặt của hàng triệu thân nhân thì bất kỳ nỗ lực nào của một cá nhân hay một tổ chức, tuy rất đáng trân trọng, nhưng khó có thể đủ để xoa dịu mọi nỗi đau. Trong gần 10 năm triển khai đề tài “Phân tích gen để định danh liệt sĩ”, Viện đã giải quyết được khoảng 400 trường hợp, trong đó trả lời khẳng định cho khoảng 280 trường hợp, các trường hợp khác có thể do nhầm lẫn trong cất bốc, hoặc do những chỉ dẫn sai lầm trong quá trình tìm kiếm. TS.Trương Nam Hải nói: “Do số lượng các trường hợp có thể giải quyết hàng năm là hạn chế, nên chúng tôi rất coi trọng công tác sàng lọc thông tin ban đầu. Khi nào các thông tin khác tương đối đầy đủ và tin cậy thì mới nên thực hiện giám định gen như một bước kiểm chứng cuối cùng, còn khi các thông tin chưa đủ tính xác đáng hoặc thu thập được từ các nguồn không có cơ sở khoa học thì chúng tôi đều phân tích cho gia đình liệt sĩ hiểu và thông cảm, dành cơ hội đó cho những gia đình cần kiểm chứng thông tin xác thực hơn”. Kỹ càng như vậy nhưng vẫn có đến 30% trường hợp phải trả lại kết quả phủ định, có thể thấy nếu tìm kiếm theo phương cách thông thường thì xác suất nhầm lẫn còn cao đến mức nào. “Mỗi lần trả lại kết quả phủ định là chúng tôi lại cảm nhận được nỗi đau và sự thất vọng của thân nhân liệt sĩ, bởi những nỗ lực từ trước đến giờ của họ đều đổ xuống sông xuống bể. Nhưng biết làm sao được, khoa học là khoa học, và khoa học thì đòi hỏi phải chính xác. Chúng tôi chỉ biết an ủi họ và tự hứa với mình sẽ càng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa này hơn”, TS.Hải tâm sự. Tréo ngoe hơn, đã có lần Viện xác định được một liệt sĩ mà thân nhân của anh khẳng định đã cất bốc và quy tập từ lâu, gia đình khi đó lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Những trường hợp như thế cũng chẳng có kẻ đúng người sai, chỉ có chiến tranh là nguyên nhân của mọi nỗi đau.

Mặc dù các cán bộ trong Viện đều xác định đây là một nghĩa cử nên hoàn toàn tự nguyện làm giám định mà không thu phí, máy móc cũng là tận dụng từ những công việc khác, nhưng hóa chất và các vật tư tiêu hao khác sử dụng trong quá trình chiết tách và nhân bản ADN thì vẫn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí bên ngoài. Với chi phải khoảng 7 triệu đồng vật tư cho một ca giám định gen, số kinh phí 100 triệu đồng được cấp hàng năm cho công tác này chỉ đủ đảm bảo cho hơn 10 trường hợp. “Ở đây, công tác xã hội hóa là rất quan trọng. Vừa qua, chúng tôi đã được Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam phối hợp và tài trợ cho một số trường hợp, dự kiến sẽ còn vài chục trường hợp khác được Hội chuyển sang và cung cấp kinh phí giám định. Đây sẽ là một hướng đi có hiệu quả trong tương lai”.

“Trong gần 10 năm, Viện đã giám định được khoảng 400 trường hợp hài cốt liệt sĩ, trong đó 280 trường hợp cho kết quả khẳng định. (…) Nói chung, giám định gen nên được coi là biện pháp kiểm chứng thông tin cuối cùng”. PGS-TS.Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện công nghệ Sinh học.

Liệu rằng khi có kinh phí thì Viện có thể giải quyết thêm được bao nhiêu trường hợp mỗi năm, vài trăm, hay vài ngàn? Mặc dù đã có thêm các đơn vị khác được Viện chuyển giao công nghệ và cùng tham gia như cơ quan Pháp y quân đội, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, nhưng dường như vẫn còn quá ít ỏi với con số hơn 300.000 liệt sĩ đã nêu ở trên. Và rồi chỉ vài mươi năm nữa, khi xương cốt đã hòa với đất, khi những người thân đủ tiêu chuẩn để lấy mẫu giám định không còn thì ai sẽ là người trả lại tên cho các anh? Những câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong đầu chúng tôi chỉ sau đôi tiếng đồng hồ tiếp xúc với công tác giám định gen liệt sĩ. Còn với những cán bộ tại Viện đã gần 10 năm làm công tác này như TS.Hải, TS.Huấn thì những câu hỏi đó đã trở thành gần như một nỗi ám ảnh. Đã từ lâu, họ đi tìm một câu trả lời. Và cho đến thời điểm này, câu trả lời ấy đang dần hình thành.

Kỳ tới: Cần lắm một ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ cấp quốc gia

Hải Yến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc không thể không làm