Chiều 5/5 tại Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho hay, năm 2023 cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng hơn 674ha. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498ha, chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi.
Các vụ phá rừng chủ yếu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, như Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... Nhìn chung, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm dần qua các năm.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu lấy đất sản xuất nông nghiệp, tập quán du canh, nhu cầu khai thác gỗ làm nhà của người dân.
Diện tích rừng bị phá chủ yếu là diện tích rừng chưa được Nhà nước giao, cho thuê, đang do UBND cấp xã quản lý, một số diện tích do các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý. Cụ thể, các vụ cháy rừng do đốt nương làm rẫy, đốt đồng cỏ gây cháy lan vào rừng chiếm 63,9% số vụ; xử lý thực bì, dọn vườn, sử dụng lửa bất cẩn trong rừng chiếm 21,8% số vụ… Đã có những đối tượng gây cháy rừng bị khởi tổ và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
“Các vụ cháy rừng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, và có những vụ cháy rừng đã gây thiệt hại về người. Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã có 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng tử vong, như vụ cháy rừng tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đã làm 2 cán bộ kiểm lâm và 1 người dân tử vong”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành ở trung ương có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (QLBVR, PCCCR) và phát huy tối đa giá trị đa dạng sinh thái rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR để nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, người dân, chủ rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đốt nương làm rẫy đảm bảo an toàn, không cho đốt nương vào những ngày hanh khô, gió lớn.
“Các địa phương trong cả nước phải xác định công tác QLBVR, PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ rừng phải chịu trách nhiệm QLBVR đối với diện tích rừng được giao, được cho thuê. Kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong tham mưu triển khai công tác QLBVR và PCCCR. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng nóng. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt”, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.