Bây giờ vẫn chưa vỡ lẽ vì sao người ta tham mưu cho lãnh đạo ban hành văn bản bắt buộc công chức phải có một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả... mới được đánh giá là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Giời đất ơi, bao nhiêu là giáo sư, tiến sĩ còn chưa có được đề án, đề tài mang lại hiệu quả, đa số còn xếp trong ngăn tủ kia kìa. Xin nhớ rằng công chức ai cũng có chức phận cụ thể trong bộ máy, trong hệ thống chính trị, không có ai được giao việc nghiên cứu, phát minh sáng chế. Lại đòi hỏi viên chức có sáng kiến nữa thì quá là đánh đố.
Dù làm rất tốt công việc nhưng nhiều viên chức vẫn đối mặt nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ vì không có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến. Trong ảnh: nữ hộ sinh Đặng Thị Hồng Nhung (khoa cấp cứu Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) trong ca trực chiều 6-1 - Ảnh: Hữu Khoa
Ấy là chuyện giữa năm 2015, Bộ Nội vụ đã soạn thảo Nghị định số 56/2015 trình Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 9/6/2015. Nghị định này quy định khá cụ thể nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này còn quy định rõ các tiêu chí cụ thể để làm căn cứ phân loại, đánh giá đối với cán bộ, công chức và viên chức và thẩm quyền cùng trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, phân loại, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2015.
Thực hiện Nghị định 56, ngay trong năm 2015, khi tổng kết năm, tất cả cơ quan có công chức, viên chức đều phải tiến hành đánh giá và xếp loại cán bộ theo các tiêu chí mà nghị định đề ra.
Thế nhưng, bắt tay vào thực hiện từ các vị đứng đầu đến nhân viên đều “đụng” hàng loạt vướng mắc mà quy định buộc phải làm theo và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng cố ý báo cáo vống thành tích, báo cáo sai sự thật để “đẹp lòng trên, êm lòng dưới.”
Không có thông tin nên không biết đã có bao nhiêu công chức không đạt chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ, mất việc làm. Bởi lẽ trong năm công tác, họ đào đâu ra công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng, mang lại hiệu quả trong công tác chuyên môn.
Mới đây, người đứng đầu một cơ quan có trên 1000 nhân viên cho biết cơ quan này chỉ có hơn 10 người biết rõ và làm tốt nhiệm vụ của mình qua kiểm tra. Lại có tình trạng khá phổ biến là nhân viên văn thư không biết trình bày một công văn cho thủ trưởng, thậm chí không biết đóng dấu vào văn bản sao cho đúng quy chuẩn. Thế nhưng các nhân viên này vẫn nghiêm túc thực hiện nội quy, giao việc gì làm việc ấy một cách chu đáo tận tụy. Chả thể mà khi bình bầu Lao động tiên tiến chỉ có mỗi cô nhân viên trẻ nghỉ đẻ 6 tháng là không được. Tình trạng này cũng giống như ở trường tiểu học có 99% học sinh giỏi. Có cháu “bị” điểm 9 suýt uống thuốc sâu vì bị bố mẹ rày la. Theo các tiêu chí như Nghị định 56/2015 thì từ nay trở đi coi như không bao giờ có công chức, viên chức bình thường được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và càng không thể là chiến sĩ thi đua các cấp.
Không lẽ các chuyên viên soạn thảo Nghị định này là người cõi trên nên ra chính sách trên mây? Ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì cho hay là chưa nhận được văn bản phản hồi việc này, và nếu có bất cập sẽ xem xét trình sửa.
Nghị định 56 thực hiện sao đây khi e rằng nếu máy móc thì sẽ hết người làm việc bởi hàng loạt công chức, viên chức sẽ bị sa thải. Mới ban hành được 5, 6 tháng nay nhưng Nghị định 56 đã bất cập bởi sẽ vẽ đường cho hươu chạy, xung quanh vấn đề tuyển dụng, sa thải… rất phức tạp hiện nay
Mong con đường hươu chạy sẽ bị rào lại khi Nghị định 56 được sửa đổi!