Vấn đề quan tâm

Cử tri đề xuất chế độ cho cựu thanh niên xung phong giai đoạn 1976-1979, Bộ Nội vụ nói gì?

Hà An 06/03/2024 - 14:50

Trước đề xuất của cử tri thành phố Hà Nội, Bộ Nội vụ cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức khảo sát, xác định tiêu chí và thống kê số liệu làm cơ sở để nghiên cứu chính sách đối với đối tượng này.

bo-noi-vu.jpg
Trụ sở Bộ Nội vụ

Bộ Nội vụ vừa có công văn trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về đề xuất của cử tri liên quan đến đề nghị nghiên cứu, đề xuất có chế độ chính sách chăm lo đến đối tượng cựu thanh niên xung phong, giai đoạn 1976-1979.

Theo cử tri phản ánh, hiện nay, số lượng số lượng cựu thanh niên xung phong giai đoạn 1976 - 1979 không còn nhiều (như quận Tây Hồ còn 54 đồng chí), tuổi đã cao và sức khỏe kém, không có lương, chưa được hưởng trợ cấp một lần và chưa có bảo hiểm y tế. Vì vậy, cử tri đề nghị có chế độ chính sách liên quan đến đối tượng này.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Cụ thể: chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong hy sinh, bị thương, nhiễm chất độc hóa học được thực hiện theo quy định của pháp luật về Ưu đãi người có công với cách mạng ; chế độ trợ cấp một lần đối với thanh niên xung phong còn sống, thanh niên xung phong đã từ trần chế độ trợ cấp hàng tháng chế độ bảo hiểm y tế chế độ trợ cấp mai táng khi thanh niên xung phong từ trần được thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chính sách đối với thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế sau ngày 30/4/1975, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố đã huy động, tổ chức lực lượng thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng các vùng kinh tế mới ở một số tỉnh và thành phố.

Theo đó, trong quá trình thực hiện Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06/10/2017, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007, Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008, Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. “Nhiệm vụ (từ khi nhập ngũ đến khi hoàn thành nhiệm vụ), cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã được hưởng các chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước và địa phương theo từng ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động cụ thể. Do vậy, đến nay Nhà nước chưa có chủ trương giải quyết chính sách đãi ngộ đối với lực lượng này”. Bộ Nội vụ cho hay.

Trên cơ sở ý kiến của một số địa phương về việc đề xuất chính sách đối với thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế giai đoạn sau năm 1975 và thực tế trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu thanh niên xung phong, Bộ Nội vụ đã và đang phối hợp với Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức khảo sát, xác định tiêu chí và thống kê số liệu làm cơ sở để nghiên cứu chính sách đối với đối tượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri đề xuất chế độ cho cựu thanh niên xung phong giai đoạn 1976-1979, Bộ Nội vụ nói gì?