Tin vắn thế giới ngày 2/4: Nga tuyên bố không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu

Bạch Dương| 02/04/2022 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc tuân thủ chính sách ‘Zero COVID' linh hoạt; Giới khoa học công bố bộ gien con người hoàn chỉnh đầu tiên; Nga tuyên bố không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc tuân thủ chính sách 'không COVID' linh hoạt

Ngày 1/4, chuyên gia dịch tễ học Wu Zunyou khẳng định Trung Quốc cần tuân thủ việc thực thi chính sách "không COVID" (zero-COVID) một cách linh hoạt.

Theo ông Wu Zunyou, biến thể BA.2 của Omicron có khả năng lây lan nhanh chóng sẽ lây nhiễm cho nhiều người trong thời gian ngắn và vẫn có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng. Do đó, chuyên gia này vẫn cho rằng cần tuân thủ cách tiếp cận "không COVID".

011322-tq-1.jpg
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ đứng trước lối ra vào tại một khu dân cư ở Tây An. Ảnh: Reuters

Mỹ triển khai nhóm nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng COVID kéo dài

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) dự kiến sẽ tài trợ khoảng 22 triệu USD cho một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois Chicago (UIC) để tiến hành nghiên cứu hội chứng COVID kéo dài (long COVID) trong vòng 4 năm. Đây là một phần trong sáng kiến "Nghiên cứu COVID-19 để tăng cường phục hồi" (RECOVER) của NIH.

Nhật Bản xác nhận thành viên đầu tiên trong nội các mắc COVID-19

Ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản xác nhận bà Seiko Noda - Bộ trưởng phụ trách vấn đề bình đẳng giới và các chính sách cho trẻ em - đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là thành viên đương nhiệm đầu tiên trong nội các Nhật Bản bị mắc COVID-19.

Hàn Quốc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội

Ngày 1/4, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 trong 2 tuần.

Theo đó, số người tối đa được phép có mặt cùng lúc tại các hoạt động cá nhân sẽ được nâng từ 8 lên 10 người, trong khi thời gian làm việc sẽ kéo dài thêm một giờ. Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà và quán karaoke, cũng như các câu lạc bộ đêm sẽ được phép mở cửa đến nửa đêm.

Australia dự kiến bỏ quy định cách ly trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19

Australia tiếp tục tiến thêm một bước trong việc thúc đẩy loại bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 khi Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Australia (AHPPC) đưa ra khuyến nghị chính thức về vấn đề này.

Malaysia, Singapore mở cửa đón khách quốc tế

Ngày 1/4, Malaysia đã mở cửa biên giới đón khách du lịch quốc tế, đồng thời bãi bỏ các hạn chế đã được áp dụng kể /từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút hai triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay với 8,6 tỷ ringgit (RM) doanh thu từ du lịch.

Cùng ngày, Singapore đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu cho tất cả du khách đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 2 năm đóng cửa.

Các trường tại New Delhi (Ấn Độ) học trực tiếp hoàn toàn

Ngày 1/4, các trường học tại vùng thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã nối lại hoàn toàn hoạt động dạy và học trực tiếp sau hơn hai năm chuyến sang hình thức trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19.

Quyết định nối lại học trực tiếp được đưa ra vào thời điểm bắt đầu năm học mới sau cuộc họp của Cơ quan Xử lý thảm họa Delhi (DDMa) trong tháng 2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên 100% lớp học trực tiếp được mở lại kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Ấn Độ.

Lào áp dụng quy định mới về phòng chống dịch

Theo đó, trong dịp đón năm mới Boun Pimay, Chính phủ Lào chỉ cho phép tổ chức các hoạt động truyền thống như cúng lễ, tắm Phật và buộc chỉ cổ tay trong nội bộ gia đình trên tinh thần tiết kiệm; cấm tuyệt đối việc tập trung trong không gian chật hẹp, tạo điều kiện lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, phải thực hiện các quy định phòng dịch cơ bản như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.

Lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch của Italy

Italy đã chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về đại dịch COVID-19 và có thể loại bỏ dần các biện pháp phòng chống COVID-19 còn lại trong khoảng thời gian từ 1/4-31/12.

Với tình trạng khẩn cấp kết thúc vào ngày 31/3, ủy ban chuyên gia tư vấn cho chính phủ về các biện pháp chống dịch COVID-19 và văn phòng của quan chức phụ trách phòng chống COVID-19, Tướng Francesco Figliuolo, đã ngừng hoạt động. Thay thế hai cơ quan này là một đơn vị đặc trách của Bộ Y tế, được giao nhiệm vụ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng COVID-19 và áp dụng các biện pháp khác liên quan đến đại dịch, sẽ hoạt động cho đến cuối năm 2022.

Giới khoa học công bố bộ gien con người hoàn chỉnh đầu tiên

Các nhà khoa học ngày 31/3 đã công bố bộ gien người hoàn chỉnh đầu tiên, đưa ra những hứa hẹn mới trong việc tìm kiếm manh mối liên quan đến các đột biến gây bệnh và biến đổi gien trong số 7,9 tỷ người trên thế giới.

Bộ gien hoàn chỉnh bao gồm 3,055 tỷ cặp cơ sở tạo các nhiễm sắc thể và gien cùng 19.969 gien mã hóa protein. Trong số những gien này, các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 2.000 gien mới. Hầu hết trong số đó đã bị vô hiệu hóa, nhưng 115 gien vẫn có thể hoạt động. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra khoảng 2 triệu biến thể di truyền bổ sung, trong đó 622 biến thể xuất hiện trong các gien liên quan đến y học.

0104-gen1.jpg
Bộ gien hoàn chỉnh bao gồm 3,055 tỷ cặp cơ sở tạo các nhiễm sắc thể và gien cùng 19.969 gien mã hóa protein. Ảnh minh họa - Straitstimes.

Hội đồng An ninh LB Nga họp về mối đe dọa an ninh trong nước

Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 1/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh LB Nga, thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn và vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh trong nước.

Ngoại trưởng Nga xác nhận đàm phán với Ukraine đạt tiến triển

Ngày 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đã có một số tiến bộ đạt được tại các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine và Moscow đang chuẩn bị phản hồi các đề xuất của Kiev.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại thủ đô New Delhi, ông Lavrov khẳng định các cuộc đàm phán với Ukraine cần được duy trì. Theo ông, phía Ukraine đã tỏ ra hiểu rõ hơn tình hình tại Crimea và Donbass, cũng như tầm quan trọng của quy chế trung lập của Kiev. Ngoài ra, ông Lavrov cho biết Nga sẵn sàng để Ấn Độ đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Thủ tướng nước này Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine theo "cách riêng của mình".

Phát biểu với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên (theo hình thức trực tuyến) sau hai năm, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh ủng hộ việc bảo vệ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, trong đó có sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.

CH Czech đã cấp hơn 250.000 thị thực cho người sơ tán từ Ukraine

Hãng thông tấn Czech (ČTK) ngày 1/4 cho biết Cộng hòa Czech đã cấp hơn 250.000 thị thực cho những người sơ tán từ Ukraine nhưng số lượng thị thực được cấp đang giảm dần.

ČTK trích dẫn số liệu của Bộ Nội vụ CH Czech cho biết số thị thực được cấp trong ngày 31/3 chỉ là 2.909 thị thực. Theo quy định, những người sơ tán phải tới báo cáo cảnh sát trong vòng 30 ngày kể từ khi đặt chân đến CH Czech, trừ trẻ em dưới 15 tuổi.

Các bên tham chiến tại Yemen đạt thỏa thuận ngừng bắn trong 2 tháng

Ngày 1/4, phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết các bên tham chiến tại Yemen đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 2 tháng, bắt đầu từ ngày 2/4.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, ông Haq chuyển tải thông tin từ Đặc phái viên LHQ về Yemen Hans Grundberg rằng các bên tại Yemen đã nhất trí với đề xuất ngừng bắn trong 2 tháng của LHQ nhân dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Đồng ruble rời khỏi mức cao nhất của 5 tuần

Đồng ruble của Nga đã có lúc chạm mức cao nhất trong hơn 5 tuần trong giao dịch đầu giờ tại Moscow ngày 1/4 trước khi ổn định trong phạm vi 83 - 84 ruble/USD.

Vào lúc 13 giờ 19 GMT (khoảng 20 giờ 19 phút theo giờ Việt Nam), đồng ruble giảm 0,2% so với đồng USD, giao dịch ở mức 83,37 ruble/USD. Trước đó đồng tiền này đã giao dịch ở mức 80,3325 ruble/USD, mức cao nhất kể từ ngày 23/2. Đồng ruble đã tăng 0,2% so với đồng euro, giao dịch ở mức 92,31 ruble/euro.

Nga nới lỏng một số hạn chế về chuyển tiền ra nước ngoài

Ngày 1/4, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) cho biết nước này đang nới lỏng các hạn chế về chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân trong vòng 6 tháng. Biện pháp này sẽ không áp dụng đối với những công dân và không phải công dân đến từ những nước áp đặt trừng phạt với Nga.

Nga tuyên bố không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong ngày 1/4, cho dù nước này đã đặt ra thời hạn chót cho khách hàng phải thanh toán bằng đồng ruble.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov khẳng định điều này không có nghĩa là nếu không có xác nhận thanh toán bằng đồng ruble, nguồn cung khí đốt sẽ bị cắt từ ngày 1/4. Theo ông, điều này chỉ ảnh hưởng đến việc thanh toán từ nửa cuối tháng 4 và tháng 5. Tập đoàn năng lượng Gazprom sẽ hợp tác với khách hàng để thực thi các quy định mới.

khi-dot-nga-getty.jpg
Nga tuyên bố không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ảnh minh họa

Các nước thành viên IEA nhất trí 'bơm' thêm dầu ra thị trường

Ngày 1/4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nhất trí phối hợp "bơm" thêm dầu ra thị trường lần thứ hai trong vòng một tháng nhằm bình ổn thị trường - vốn bị tác động mạnh sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Áo, Hungary khẳng định không thay thế khí đốt Nga

“Thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ là một đề xuất vô lý”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trên sóng phát thanh Kossuth ngày 1/4.

Đồng tình với mối lo ngại của Thủ tướng Orban, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Áo OMV, ông Alfred Stern, cho biết nước này cũng sẽ không chuyển sang mua khí LNG.

Thổ Nhĩ Kỳ tăng giá khí đốt

Công ty nhập khẩu năng lượng BOTAS của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/3 cho biết đã nâng 50% giá khí tự nhiên dùng cho các cơ sở công nghiệp, và tăng 35% đối với các hộ gia đình. Quyết định trên làm dấy lên lo ngại về khả năng lạm phát của nước này tiếp tục tăng phi mã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 2/4: Nga tuyên bố không cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu