Tin vắn thế giới ngày 31/3: WHO nêu 3 kịch bản dịch COVID-19

Bạch Dương| 31/03/2022 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO nêu 3 kịch bản dịch COVID-19; Tổng thống Mỹ tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19; Mỹ vẫn tăng cường nhập khẩu dầu của Nga… là tin tức thế giới đáng chú ý.

WHO nêu 3 kịch bản dịch COVID-19

Ngày 30/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật đánh giá về dịch COVID-19, theo đó WHO đã nêu ra 3 kịch bản dịch bệnh có thể diễn biến trong năm nay.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Dựa trên những gì mà chúng tôi đánh giá, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm". Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng cho biết hai kịch bản còn lại là, các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, và khi đó các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết, hoặc một biến chủng mới sẽ xuất hiện và sẽ khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.

tedros-adhanom-ghebreyesus.jpg
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng thống Mỹ tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19

Ngày 30/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19, một ngày sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm mũi tăng cường thứ hai với nhóm tuổi của ông.

Tổng thống Joe Biden, 79 tuổi, đã tiêm mũi vaccine tăng cường đầu tiên của Pfizer vào cuối tháng 9/2021 sau khi liều tăng cường được cấp phép. Hôm 29/3, FDA đã cho phép tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai ngừa COVID-19 cho những người từ 50 tuổi trở lên, nhấn mạnh bất kỳ ai trong độ tuổi này đều có thể làm điều đó 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần đầu.

WHO: Omicron là biến thể trội, chiếm 99,7% số ca lây nhiễm toàn cầu

Báo cáo cập nhật tình hình dịch COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 29/3 cho thấy số ca nhiễm mới có xu hướng giảm, với Omicron là biến thể trội trên toàn cầu.

Trong tổng số 382.789 mẫu được thu thập trong 30 ngày gần nhất và được giải trình tự gien, đăng tải trên hệ thống GISAID, có đến 381.824 trường hợp là do Omicron gây ra (chiếm 99,7%), kế đến là chủng Delta, với 175 trường hợp (chiếm dưới 0,1%).

Thụy Điển cấp phép lưu hành thuốc điều trị Evusheld

Ngày 29/3, Cơ quan quản lý sản phẩm y tế Thụy Điển (MPA) đã cấp phép sử dụng Evusheld, hỗn hợp kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19 của hãng dược AstraZeneca. Thuốc sẽ được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng thuốc gây độc tế bào, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng và những người mắc các bệnh như đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp.

Từ ngày 1/4, Myanmar tiếp nhận trở lại đơn xin thị thực điện tử

Ngày 29/3, Bộ Dân số và Di trú Myanmar cho biết sẽ nhận đơn xin thị thực thương mại bắt đầu từ ngày 1/4. Quốc gia Đông Nam Á này dừng tiếp nhận mọi đơn xin thị thực điện tử mới từ ngày 20/3/2020 sau khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên thế giới. Myanmar triển khai nền tảng nhận đơn xin thị thực trực tuyến (evisa.moip.gov.mm) từ tháng 9/2014.

Bulgaria dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4

Bộ trưởng Y tế Bulgaria Assena Serbezova ngày 30/3 cho biết nước này sẽ hủy bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 tới, trong đó có quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và lệnh cấm đi lại đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được dỡ bỏ là hạn chế công suất các nhà hàng, rạp hát, các sự kiện, quy định giãn cách xã hội bắt buộc và việc học trực tuyến. Tất cả những người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào nước này nếu xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 hợp lệ như đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.

Thụy Sĩ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch từ 1/4

Ngày 30/3, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết nước này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế còn lại vẫn đang được áp dụng vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4 tới.

Theo đó, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế, cũng như yêu cầu tự cách ly 5 ngày sau khi mắc COVID-19, sẽ được hủy bỏ. Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ tạm thời hủy ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với những người khác nhiễm virus.

Nhiều bang của Đức muốn lùi thời hạn bãi bỏ các biện pháp chống dịch

Theo dự thảo nghị quyết chuẩn bị trước khi diễn ra hội nghị thảo luận về tình hình dịch bệnh giữa Thủ tướng và Thủ hiến các bang tại Đức (GMK), nhiều bang của nước này muốn hoãn kế hoạch chấm dứt ngay các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 thêm 4 tuần nữa.

Sân bay Changi của Singapore sẵn sàng đón khách trở lại

Trong bối cảnh Singapore nới lỏng hạn chế đi lại và các biện pháp phòng dịch COVID-19 khác, sân bay Changi đã sẵn sàng đón thêm nhiều khách với hy vọng có thể khôi phục lượng khách về mức trước đại dịch.

Lãnh đạo Ai Cập, Ukraine điện đàm

Văn phòng Tổng thống Ai Cập ngày 30/3 thông báo Tổng thống nước này, ông Abdel-Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về những diễn biến mới nhất liên quan tới các cuộc hòa đàm giữa Ukraine và Nga.

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên đối thoại và các giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, khẳng định Ai Cập ủng hộ tất cả các nỗ lực để tiến tới giải pháp hòa bình.

Nga nhận định các nước BRICS sẽ là trung tâm trật tự thế giới mới

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng nhóm các nền kinh tế đang nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ là trung tâm trật tự thế giới mới.

Bình luận về việc Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia không thân thiện chuyển sang thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp, ông Ryabkov nhấn mạnh Nga không sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng mà đang bảo vệ lợi ích của mình.

Đức: Nga vẫn để châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng euro

Theo Chính phủ Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/3 nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng euro thay vì đồng ruble như thông báo trước đây.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Tổng thống Putin đã nói với Thủ tướng Scholz rằng, việc thanh toán của châu Âu từ tháng tới có thể tiếp tục bằng đồng euro và chuyển khoản như thông lệ cho Ngân hàng Gazprom - ngân hàng vốn không chịu tác động của các lệnh trừng phạt. Cũng theo ông Hebestreit, sau khi nhận tiền, Ngân hàng Gazprom sẽ chuyển đổi sang đồng ruble.

Mỹ vẫn tăng cường nhập khẩu dầu của Nga

Theo báo cáo mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khối lượng nhập khẩu dầu Nga của Mỹ đã tăng 43% từ ngày 19 đến 25/3 so với tuần trước đó. Dữ liệu cho thấy Mỹ đã nhập khẩu tới 100.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày.

gia-dau-tho-bloomberg-2689.jpg
Ảnh minh họa

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới Iran

Ngày 30/3, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một cá nhân và mạng lưới công ty của người này vì đã hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, ông Mohammad Ali Hosseini cùng các công ty thu mua vật liệu của ông có liên quan tới nhiên liệu dùng để đẩy tên lửa đạn đạo của một đơn vị trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn phụ trách hoạt động nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào công ty Parchin Chemical Industries của Iran.

Israel tăng cường an ninh trước làn sóng tấn công khủng bố

Nội các chính phủ Israel ngày 30/3 đã họp khẩn và thông qua các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh trước làn sóng tấn công khủng bố trong vòng 1 tuần qua tại nước này.

Thông báo của Thủ tướng Naftali Bennett cho hay Israel đang và sẽ triển khai một loạt biện pháp an ninh, trong đó có việc thành lập một lữ đoàn cảnh sát biên giới mới - biện pháp được Thủ tướng Bennett coi là quyết định chiến lược dựa trên bài học từ Chiến dịch Người bảo vệ bức tường (Chiến tranh Gaza tháng 5/2021); tất cả binh sĩ đã thông qua huấn luyện tác chiến cơ bản (từ cấp độ 3 trở lên) sẽ phải mang vũ khí của mình về nhà trong các ngày cuối tuần; không hạn chế nguồn lực từ Chính phủ cho việc tăng cường lực lượng tới khu vực biên giới với Bờ Tây.

Tổng thống Tunisia tuyên bố giải tán Quốc hội

Ngày 30/3, Tổng thống Tunisia Kais Saied tuyên bố giải tán Quốc hội nước này. Động thái được cho là sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của ông Saied thêm 8 tháng và làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị ở Tunisia.

Tiến trình đàm phán hòa bình Yemen bắt đầu diễn ra tại Riyadh

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái đối địch tại Yemen đã bắt đầu diễn ra vào ngày 30/3 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, giữa lúc Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu thông báo một thỏa thuận ngừng bắn, động thái được hy vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Yemen.

LHQ cung cấp lương thực khẩn cấp cho 1 triệu người ở Ukraine

Ngày 30/3, LHQ đã cung cấp lương thực khẩn cấp cho 1 triệu người ở Ukraine dù cảnh báo nhiều người hơn thế đang trong tình trạng bị đói và nhiều người lớn phải bỏ bữa để nhường cho trẻ em.

Philippines siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn lây lan cúm gia cầm

Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 30/3 đã chỉ thị siết chặt kiểm soát, cũng như tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn lây lan cúm gia cầm trong bối cảnh bùng phát các ổ dịch cúm H5N1 tại 4 tỉnh của quốc gia Đông Nam Á này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 31/3: WHO nêu 3 kịch bản dịch COVID-19