Sau 2 ngày rưỡi làm việc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 đã kết thúc. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã làm tốt chủ trương nhìn lại toàn bộ quá trình chất vấn và trả lời chất vấn.
Các câu hỏi chất vấn các đại biểu đeo bám các nội dung đã chất vấn trước đây cũng như những nội dung mới phát sinh.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định: nhiều nội dung chất vấn là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã có nhiều nỗ lực, thể hiện trách nhiệm của mình đối với Quốc hội cũng như cử tri. Tuy vậy, các Bộ trưởng cần đi nên đi thẳng vào câu hỏi của các đại biểu Quốc hội để trả lời, không cần giải trình những nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng đã làm trong thời gian qua.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy phát biểu ý kiến.
Đối với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng nội dung này cần có sự đổi mới, đi thẳng vào vấn đề đại biểu cần quan tâm bởi nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội không chỉ liên quan đến một ngành, một lĩnh vực mà là thẩm quyền của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng cần có những giải pháp quyết liệt hơn.
Đồng ý kiến, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết việc đổi mới phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tạo sự thoải mái, dân chủ đối với các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là sau phiên chất vấn, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều hành công việc như thế nào. Cần phải kiên quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, hoạt động chất vấn mới thực sự mang lại hiệu quả và tác dụng cao.
Quan tâm đến Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Huỳnh Thành Lập (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Nghị quyết này không chỉ có giá trị là tiếp tục thực hiện mà còn có ý nghĩa bàn giao lại cho nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo. Từ Chính phủ đến các đại biểu Quốc hội cần đeo đuổi, làm đến cùng nhiệm vụ của mình. Vai trò của Quốc hội chính là nhắc nhở Chính phủ làm tốt hơn nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành đất nước, mang lại lợi ích cho nhân dân. Bên cạnh đó, chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động cực kỳ quan trọng của Quốc hội. Hoạt động này cần tiếp tục đổi mới, cải tiến để phục vụ tốt hơn, giúp cho Chính phủ điều hành tốt đất nước.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ 16 đến hết buổi sáng 18/11
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội tổ chức thảo luận việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội và chất vấn làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, thành viên Chính phủ cũng như Chính phủ trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị phương thức tiến hành nên tách thành hai phần để kết quả của Kỳ họp đạt cao hơn. Thảo luận về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, có thể dành một buổi để tranh luận, đánh giá tác động tích cực, chưa được và mục tiêu hướng tới trong giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tránh rời rạc, thiếu tính liên kết.
Với quan điểm chất vấn với nhiều vấn đề như hiện nay sẽ khó khăn trong việc ra Nghị quyết về chất vấn, đại biểu Trương Văn Vở nêu rõ: Cần có đánh giá tác động của Nghị quyết Quốc hội qua giám sát chuyên đề, giám sát chất vấn, trả lời chất vấn đạt kết quả đến đâu để có định hướng, giải pháp cụ thể tiếp theo. Phiên chất vấn cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt thực hiện chính sách, chỉ ra trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, Chính phủ, từ đó đặt vấn đề giải quyết, làm cơ sở để tổng kết nhiệm kỳ, giao lại nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau làm tốt các nhiệm vụ còn dang dở…
175 câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ Tổng cộng đã có 54 lượt đại biểu phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, có 18 đại biểu đặt 27 câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 1 đại biểu có câu hỏi đối với Chủ tịch Quốc hội, 6 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đối với các Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 đại biểu đặt câu hỏi đối với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, khoảng 140 câu hỏi đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành. 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trả lời chất vấn và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình. |