Chính trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Nguyên Thảo - Duy Tuấn 04/11/2023 - 12:58

Do là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ chất vấn theo nhóm lĩnh vực thay vì nhóm vấn đề. Thành viên Chính phủ nào cũng có thể đăng đàn trả lời chất vấn.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, từ ngày 6 đến sáng 8/11, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.

thutuong.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội sáng 1/11.

Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực.

Phiên chất vấn sẽ tiến hành theo 4 nhóm, cụ thể gồm: lĩnh vực kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước.

Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn khoảng 160-170 phút, nhưng khi điều hành sẽ linh hoạt theo diễn biến thực tế.

Với phương châm "coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát", tại phiên họp tối 30/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 là chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Tức là chất vấn việc thực hiện "lời hứa" của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành theo 10 Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội khóa XV, không phải là chất vấn những vấn đề nổi lên hiện nay. Do vậy, các báo cáo và báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội cần nhóm lại những vấn đề chính theo lĩnh vực đã nêu tại các Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, Nghị quyết giám sát chuyên đề…

Theo đó, sáng 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Từ 9h40 đến 11h30 ngày 6/11, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực gồm kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Nội dung này được kéo dài đến 14h40 chiều cùng ngày.

Sau đó, thời gian còn lại của buổi chiều cộng thêm thời gian sáng hôm sau 7/11, nội dung chất vấn chuyển sang các lĩnh vực bao gồm công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Từ 9h10 ngày 7/11 cho đến hết buổi sáng và kéo dài thêm 1 tiếng buổi chiều cùng ngày, nhóm vấn đề được chất vấn sẽ chuyển sang các lĩnh vực bao gồm tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, Tòa án, kiểm sát, kiểm toán.

Từ 15h đến hết chiều và thêm 1 giờ 30 phút sáng 8/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực.

Cụ thể là khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông.

Từ 9h50 đến 11h ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo thông lệ, người đứng đầu Chính phủ có thời gian khoảng 70 phút vừa trình bày báo cáo, vừa trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Nếu không đủ thời gian trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng sau đó sẽ trả lời bằng văn bản.

Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan về công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn đều diễn ra sôi động, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

Với tinh thần xây dựng, tiếp tục phát huy những điểm tích cực trong tổ chức chất vấn thời gian qua, Thủ tướng cho rằng mục tiêu của chất vấn là khẳng định những nội dung đã làm được, chỉ ra những điểm chưa làm được, bài học kinh nghiệm và làm sao để làm tốt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Theo người đứng đầu Chính phủ, qua chất vấn, phải cùng nhau tìm ra được giải pháp tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, để cùng nhau đưa đất nước phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội