Chính trị

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Nguyên Bình 15/08/2023 - 13:40

Chiều nay 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Trong đó tập trung vào 3 nhóm vấn đề:

-Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).

202206081159348821_2.-bo-truong-le-minh-hoan.jpg

-Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

-Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT  Lê Minh Hoan đã có báo cáo trả lời chất vấn gửi đến UBTVQH.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Ngày nay, việc đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đề cập đến đủ lượng lúa gạo, mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác, Bộ trưởng nêu.

Với việc giữ diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha đến năm 2030 theo kết luận 81 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, thì diện tích gieo trồng lúa khoảng 7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn thóc một năm, tương đương 27-28 triệu tấn gạo.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm. Do đó, giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Hiện nay, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc một năm. Như vậy, cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu sản lượng gạo nhất định từ Campuchia, Ấn Độ để dành sản xuất các sản phẩm chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Ví dụ, lượng gạo nhập từ Campuchia khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, để bù đắp trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính, sản lượng thóc dành cho đảm bảo an ninh lương thực năm nay khoảng 29,5 triệu tấn. Gạo xuất khẩu năm 2023 ước hơn 7 triệu tấn, tương đương 14 triệu tấn thóc.

Đề cập kế hoạch an ninh lương thực năm 2023, Bộ trưởng cho biết, tổng diện tích lúa cả nước năm nay khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452.000 tấn so với 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. “Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia, vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khó khăn trong xuất khẩu nông sản vẫn hiệu hữu khi nhu cầu thị trường phục hồi chậm. Những biến động trên thị trường lương thực thế giới gần đây, như Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ukraine kéo dài… cũng tác động không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cơ quan quản lý nông nghiệp sẽ cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường toàn diện, cẩn trọng để phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Bên cạnh đó là giải pháp tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn