Chính phủ vừa ra Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015.
Ảnh minh họa
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm tốt trong chỉ đạo điều hành, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu năm; phối hợp tổ chức tốt công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đồng thời, tiếp tục cải tiến phương thức, lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.
Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm 2016
Cụ thể, Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, hoàn chỉnh Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2015 và Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện.
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ bằng các giải pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 ngay từ đầu năm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2021.
Hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và cơ quan tư pháp; thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân từng thành viên Chính phủ trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân. Tập thể Chính phủ luôn đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm. Các thành viên Chính phủ tham gia tích cực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các công việc chung. Phương thức chỉ đạo, điều hành trong nhiệm kỳ luôn được quan tâm đổi mới; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, gắn trước mắt với cơ bản lâu dài và ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mới của tình hình; bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện.
Nhờ sự nỗ lực trong lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành và trong triển khai thực hiện, nhiệm kỳ công tác 2011-2016 của Chính phủ đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, nhất là: Kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi phát triển cao hơn trong thời gian tới. Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tình trạng nợ đọng văn bản đã được khắc phục cơ bản
Trong năm 2015, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ ưu tiên thực hiện. Nhiều bộ luật, luật có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật đã được xây dựng, trình Quốc hội thông qua. Các dự án luật, pháp lệnh được chuẩn bị đúng trình tự, thủ tục và cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2015 được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến rõ rệt. Chất lượng văn bản được nâng lên, phù hợp và đồng bộ hơn. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được khắc phục cơ bản, đến cuối năm số văn bản nợ đọng giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng văn bản quy định chi tiết không được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật, gây khó khăn trong triển khai thi hành đồng bộ các luật, pháp lệnh khi có hiệu lực.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, soạn thảo, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh đề nghị đưa vào Chương trình năm 2016 gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 01/2016.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng văn bản, phấn đấu khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản, bảo đảm yêu cầu triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được thí điểm đổi mới
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho phép áp dụng Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2016-2019.
Chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có bằng đại học trở lên
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trong đó quy định về điều kiện đối với chuyên gia là người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo hướng: có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho giáo viên mầm non công tác trước năm 1995
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời hạn công tác trước năm 1995 theo trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để triển khai thực hiện trong tháng 01/2016.
Tiếp tục phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ
Chính phủ thống nhất cho phép tiếp tục thực hiện việc phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ về các Bộ, cơ quan Trung ương được giao quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2014/NĐ-CP. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng phương án phân bổ kinh phí các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2016, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý I năm 2016.
Cơ cấu khoản nợ của các công ty thành viên thuộc Vinalines
Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; các doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ phải có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty thành viên của Vinalines. Trên cơ sở đó, hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện giải pháp tái cơ cấu các khoản nợ.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines và các công ty thành viên xây dựng phương án tổng thể về chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và tính khả thi của phương án tái cơ cấu nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.