Văn hóa - Du lịch

“Bên Bác, lòng ta trong sáng hơn”

Gia Ân-Hồng Sương 19/05/2024 - 06:21

Tháng Năm về, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) lại đón hàng chục nghìn lượt khách từ mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế về tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người.

Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất

Trong nắng tháng Năm chan hòa, hương sen thơm mát, cùng tiếng ve kêu râm ran, du khách muôn phương lại hội tụ về nơi mà trong tâm thức của đồng bào cả nước đã là “quê chung”. Tất cả đều rạng ngời hạnh phúc khi được đặt chân đến quê hương Bác Hồ kính yêu và lắng sâu niềm xúc động với những câu chuyện về tuổi ấu thơ của Người nơi “Làng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha” tại Khu Di tích Kim Liên.

2.jpg
Dâng hoa thắp hương tưởng nhớ Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người.

Những ngày tháng Năm lịch sử này, mỗi ngày Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng nghìn lượt du khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm quê Bác. Nhiều gia đình ở xa nhưng năm nào cũng đến và mỗi năm đến nhiều lần vào các dịp lễ, Tết để tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhắc nhở con cháu xem quê Bác như là một nơi để luôn nhớ về, tìm về sau những chuyến đi xa.

Ông Trần Đình Phong đến từ huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Mặc dù đã về thăm quê Bác nhiều lần, nhưng đến đây thấy cảnh vật, nhà lưu niệm, các kỷ vật của Bác, đặc biệt, những câu chuyện về Bác và những người thân trong gia đình qua lời các thuyết minh viên, tôi xúc động không cầm được nước mắt”.

1.jpg
Mỗi ngày Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng nghìn lượt du khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm quê Bác

Ông Lâm Đình Hùng – Phó Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: Để chuẩn bị cho các hoạt động của Lễ hội Làng Sen kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu tháng Tư, khu di tích đã triển khai thay mới các cụm cờ vui, cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu, các cụm pa-nô, áp phích tại các bãi đậu xe, các tuyến đường, các khu vực thuộc khu di tích quản lý…

Đặc biệt, vào đầu tháng Năm vừa qua, khu di tích đã tiếp nhận hơn 500 đèn lồng do một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Bình trao tặng để tạo nên “con đường đèn lồng” treo trên 2 hàng xoài rợp bóng mát từ cổng chính vào khu vực nhà trưng bày.

Bên cạnh đó, khu di tích đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự; bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ thường trực tại các điểm tham quan, các chốt bảo vệ; phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức lao động tổng vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan, văn hóa, văn minh du lịch.

Được biết, ngay từ đầu năm, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giới thiệu 134 tấm gương điển hình tiên tiến trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức trưng bày Triển lãm “Âm vang Điện Biên”…

5.jpg
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên để thay đổi phù hợp theo từng đối tượng khách, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, khu di tích đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An tổ chức điểm cầu tại Cụm Di tích Hoàng Trù trong cầu truyền hình trực tiếp chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt “Làng Sen nuôi chí lớn”…

Điểm đến lý tưởng của du khách

Là địa chỉ đỏ của đồng bào, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên mở cửa đón khách tất cả các ngày trong năm, các tháng cao điểm mở cửa thông tầm vào buổi trưa và thêm 1 tiếng vào buổi chiều.

Trong điều kiện không tăng biên chế, không có chế độ làm ca, đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, viên chức, người lao động khu di tích trong công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích, tài liệu, hiện vật cũng như phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch.

4.jpg
Đến nay, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã số hóa hơn 10.000 tài liệu, hiện vật, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ.

Hiện nay, tổng số hiện vật trưng bày trong các nhà di tích và nhà trưng bày bổ sung tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là 290 hiện vật, với gần 100 đơn vị hiện vật gốc và hiện vật đồng thời đồng loại.

Ngoài ra, kho hiện vật khu di tích đang lưu giữ, trưng bày 42 đầu loại hiện vật với gần 4.000 đơn vị hiện vật, cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, của các địa phương, các cơ quan, đơn vị tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và hàng trăm trang tư liệu được sưu tầm, góp phần làm phong phú thêm các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống tại quê hương và 2 lần Người về thăm quê.

Nhiều năm qua, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã duy trì tốt công tác bảo quản thông thường, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào công tác bảo quản di tích, đồng thời, thực hiện tốt các chế độ bảo quản định kỳ và tu bổ chống xuống cấp di tích. Ngoài ngân sách được cấp thì đơn vị đã linh hoạt kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân tài trợ từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm.

Đến nay, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã số hóa hơn 10.000 tài liệu, hiện vật, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ và thực tế ảo tăng cường AR kết hợp màn hình chạm hiện đại tại nhà trưng bày bổ sung và khu mộ Bà Hoàng Thị Loan; đồng thời, phát triển thêm một số hạng mục để phục vụ khách tại khu di tích như: Trình diễn Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tham quan ao cá Bác Hồ, trải nghiệm xay lúa, giã gạo, viết thư pháp…; tạo các không gian cảnh quan như đường hoa, đảo hoa, để du khách check-in; chỉnh trang Công viên Đại Huệ để cho học sinh dã ngoại, cắm trại…

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cũng đã chú trọng đào tạo đội ngũ viên chức, người lao động ngày càng chuyên nghiệp hơn, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên để nội dung, hình thức thuyết minh thường xuyên thay đổi phù hợp theo từng đối tượng khách, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn.

3.jpg
Vào đầu tháng Năm vừa qua, khu di tích đã tiếp nhận hơn 500 đèn lồng do một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Bình trao tặng để tạo nên “con đường đèn lồng” rực rỡ.

Hiện tại, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã đào tạo được 5 thuyết minh viên tiếng Anh, 8 thuyết minh viên tiếng Lào và 1 thuyết minh viên tiếng Pháp, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong nước, quốc tế.

Bên cạnh đó, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, loại hình dịch vụ, trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm mang tính đặc thù, có bản sắc riêng và giá trị nổi bật để phục vụ du khách. Hiện nay, khu di tích đang phối hợp với Tổ chức JICA của Nhật Bản và các doanh nghiệp từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đồng thời, đưa sản phẩm OCOP tiêu biểu của các huyện trên địa bàn tỉnh về khu di tích để phục vụ du khách; triển khai trung tâm thông tin du lịch để giới thiệu cho du khách các điểm đến của Nghệ An.

Để Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là trung tâm văn hóa – lễ hội, là khu di tích lịch sử - văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, là điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, thời gian tới, khu di tích tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác triển khai quy hoạch nâng cấp tổng thể.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đã được phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-TTg, ngày 27/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào các hạng mục như: Khu du lịch văn hóa 43 ha; thác 9 tầng tại khu mộ Bà Hoàng Thị Loan; Khu du lịch văn hóa – sinh thái núi Chung, không gian văn hóa Làng Sen…

Cùng với đó, hoàn thành hệ thống thuyết minh tự động; hoàn thiện đề án Trung tâm Dịch vụ tại ngã tư xã Nam Giang; tăng cường công tác truyền thông, kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bên Bác, lòng ta trong sáng hơn”