Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 2392/VPCP-CN gửi các bộ, ngành hữu quan truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó rà soát, làm rõ sự cần thiết xây dựng của Đề án, cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của Đề án (kế hoạch, nghị quyết) và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.
Trước đó, vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Lãnh đạo địa phương này cho biết, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư Cảng; nhu cầu vốn đầu tư và phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác để đầu tư cảng; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đầu tư cảng; dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên; Phương án thiết kế sơ bộ đầu tư xây dựng; thuyết minh về sự phù hợp với quy hoạch, kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án; dự kiến thời gian thực hiện dự án; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của công trình…
Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, tổng diện tích quy hoạch khu bến cảng Trần Đề khoảng 5.400ha (diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400ha; diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000ha. Chỉ tiêu chính quy hoạch bến cảng Trần Đề, đê chắn sóng 8,3 km; cầu dẫn vượt biển 18 km;
15 cầu cảng (mỗi cầu dài 5,5km) có thể tiếp nhận cỡ tàu container 100.000DWT - 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000DWT; công suất thiết kế 80 - 100 triệu tấn/năm.
Kết nối giao thông với đường bộ Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B và Quốc lộ 60, cùng các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về sông Hậu ra cửa Trần Đề đảm bảo cho hoạt động đầu tư, khai thác cảng Trần Đề.
Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm; tổng vốn thực hiện giai đoạn 1 ước tính khoảng 51.000 tỷ đồng với nguồn vốn đầu tư chủ yếu được thực hiện trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội.
Theo tính toán của Hiệp hội logistics Việt Nam, một container đi bằng đường biển xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL có thể tiết kiệm 20 - 30% chi phí so với đi bằng đường bộ lên cụm cảng TP. HCM để xuất khẩu. Do đó, việc đầu tư bến cảng biển Trần Đề là yêu cầu bức thiết nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại khu vực ĐBSCL.