Ngày hôm qua, Tỉ phú Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ, mở ra một chương mới hứa hẹn đầy biến động cho đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc và không rõ hướng đi sắp tới.
Trước sự chứng kiến của khoảng 900.000 người, lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump đã diễn ra vào 11h30 giờ ngày 20/1, tại Tòa nhà Quốc hội trong không khí trang nghiêm, đúng nghi thức.
Sau khi các quan chức chủ chốt, lãnh đạo tôn giáo phát biểu, ông Mike Pence bước lên bục để tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống. Tiếp đó, ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống trên kinh thánh.
Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump vào Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ thấp kỷ lục trong 40 năm qua. Chưa hết, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông còn được “chào đón” bởi một loạt cuộc biểu tình diễn ra khắp Washington ngày 20/1 và cuộc tuần hành dự kiến thu hút đến 250.000 người tham gia vào ngày hôm nay 21/1.
Ông Trump bước vào Nhà Trắng giữa ngổn ngang câu hỏi về tương lai của nước Mỹ và quan hệ với thế giới bên ngoài
Sự chia rẽ còn diễn ra trong chính trường khi, theo tờ The Washington Post, gần 70 nghị sĩ Đảng Dân chủ không tham dự sự kiện nói trên.
Với những gì xảy ra ở trên báo hiệu ông Trump sẽ đối diện không ít trở ngại nếu thực sự muốn hàn gắn rạn nứt trong lòng nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có thể nói, ông Trump bước vào Nhà Trắng giữa ngổn ngang câu hỏi về tương lai của nước Mỹ và quan hệ với thế giới bên ngoài.
Được biết, sau khi kết thúc lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiễn vợ chồng cựu Tổng thống Obama ra trực thăng trở về căn cứ không quân Andrews, sau đó quay lại tòa nhà Quốc hội để ký phê chuẩn những văn bản đầu tiên.
Ông Trump ngồi tại một chiếc bàn trong tòa nhà Quốc hội, ký ba văn bản với tư cách Tổng thống Mỹ, gồm việc phê chuẩn dự luật Miễn trừ Mattis, danh sách ứng viên đề cử lên Thượng viện và tuyên bố về Ngày Yêu nước Quốc gia.
Dự luật Miễn trừ Mattis được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước đó, nhằm cho phép tướng James Mattis có thể được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Luật liên bang của Mỹ yêu cầu một sĩ quan quân đội phải chờ 7 năm sau khi giải ngũ mới được làm bộ trưởng quốc phòng, trong khi ông Mattis mới nghỉ hưu năm 2013.
Các trợ lý của ông Trump cho biết, ông Trump sẽ sử dụng quyền hành pháp ngay trong ngày đầu tiên vào Nhà Trắng để thực hiện các chính sách của ông về nhập cư, về việc xây một bức tường dọc biên giới với Mexico và đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.
Và ông sẽ không chờ đợi để sử dụng những công cụ mạnh nhất của nhà lãnh đạo. Đó là dùng chiếc bút của tổng thống để ký nhiều quyết định hành pháp có thể áp dụng được ngay mà không cần Quốc hội phê chuẩn.
Trước đó, nhà lãnh đạo này cam kết sẽ đoàn kết đất nước trong bài phát biểu vào đêm trước ngày nhậm chức, nhưng danh sách cần làm sau khi nắm quyền của ông lại khiến dư luận lo ngại sự chia rẽ chỉ tăng chứ không giảm.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của Đảng Dân chủ cho biết, “Nỗi lo sợ thật sự là ông ấy sẽ bắt đầu đảo ngược những tiến triển đạt được dưới thời ông Obama trong ngày làm việc đầu tiên. Chúng tôi đang trong tình trạng báo động về những điều này”.
Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới cũng hoang mang khi kỷ nguyên của ông Trump bắt đầu. Vị tổng thống Mỹ thứ 45 đã kịp ghi dấu lên những xáo trộn của thế giới ngay từ khi ông đắc cử hồi tháng 11/2016.
Trước khi nhậm chức, ông Trump đã kịp làm phật lòng đồng minh lâu năm Đức sau khi chọc giận Trung Quốc và gây căng thẳng với các lãnh đạo NATO, đồng thời khiến các đối tác khác của Liên minh châu Âu (EU) cảnh giác.
Theo báo New York Times, sự khó đoán dường như là đặc điểm dễ đoán nhất ở ông Trump. Thế giới đang dần quen với những thông điệp đầy khiêu khích đăng tải trên mạng xã hội của vị lãnh đạo “nghiện” Twitter, nhưng lại mù mờ về ý nghĩa của những thông điệp được ông đưa ra ở thế giới thị phi này. Liệu chúng có phải là những định hướng chính sách mới, đánh giá cá nhân hay chỉ đơn giản là ý nghĩ thoáng qua.