Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của lịch sử đất nước trong giai đoạn mới, ngành Tư pháp nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng đã có nhiều đổi mới nhằm hoàn thành tốt hơn sứ mệnh bảo vệ công lý và công bằng xã hội.
Bước vào thế kỷ 21, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới, Tòa án nhân dân đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, nhằm hoàn thành tốt hơn sứ mệnh bảo vệ công lý và công bằng xã hội, đóng góp tích cực hơn vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, ngày 02/4/2002, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thay thế Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1993 và năm 1995).
Theo Luật này, Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án Quân sự về mặt tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư pháp quản lý Tòa án về tổ chức từ 1981-2002). Đây là một bước cải cách tư pháp quan trọng đối với ngành Tòa án nhân dân.
Kế thừa và phát triển tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã nêu rõ: Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá trong công cuộc cải cách tư pháp; thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp sâu rộng, cơ bản, thường xuyên và lâu dài nền tư pháp nước nhà.
Cụ thể hóa các Nghị quyết nêu trên của Đảng, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, đã quy định rõ tại Điều 102: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thực hiện quyền lực quan trọng trong bộ máy Nhà nước.
Cùng với nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo, Hiến pháp năm 2013 còn quy định cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5 Điều 103); Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa trong công tác đối ngoại, Việt Nam đã tích cực hội nhập với thế giới trên nhiều lĩnh vực. Đổi mới nền kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế cũng đã phát sinh nhiều dạng tội phạm mới, truyền thống và phi truyền thống, với nhiều hình thức thủ đoạn tinh vi, tạo vỏ bọc để thực hiện tội phạm, gây mất an ninh trật tự và phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Ngày 25/02/2003, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm, một tổ chức tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm, hành vi phạm tội cực kỳ nghiêm trọng như: Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, giết người, đưa hối lộ, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, trốn thuế, che giấu tội phạm… xâm hại đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Phiên tòa kéo dài 57 ngày. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Hoàng Danh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; 80 luật sư đã tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và người bị hại. Ngoài 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án đã triệu tập thêm một số người từng giữ chức vụ cao trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có liên quan đến vụ án Năm Cam. Vụ án này đã thu hút đông đảo các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tham dự.
Ngày 15/9/2003, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở phiên xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Ngọc Hòa - Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (sau này là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao). Phiên phúc thẩm kéo dài 26 ngày, có 42 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Tòa án đã tuyên phạt Năm Cam và 5 bị cáo mức án tử hình, 4 án chung thân cùng nhiều mức án thích đáng cho các bị cáo khác.
Bản án nghiêm minh của Tòa án đã đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm có tổ chức trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới nền kinh tế và hội nhập quốc tế; củng cố trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các đô thị lớn. Hội đồng xét xử đã có kiến nghị góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
(Còn nữa)
Nguồn: Kịch bản phim “Tòa án nhân dân xét xử các đại án điển hình”
Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà