Tòa án

Vai trò của Tòa án trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

18/07/2025 - 12:10

Trước yêu cầu của thực tiễn hoạt động tư pháp, Quốc hội khóa 1 tháng 8/1958 quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách Tòa án nhân dân và Viện công tố khỏi Bộ Tư pháp và sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1959.

bai-3-edit.jpg

Từ sau hòa bình lập lại năm 1954, tình hình tội phạm ở miền Bắc diễn biến phức tạp. Một số phần tử phản cách mạng tăng cường hoạt động tuyên truyền chống phá, kích động đồng bào di cư vào Nam… Tòa án binh lúc này được củng cố thêm một bước để thực hiện các nhiệm vụ: Đấu tranh chống sự phá hoại của địch, đồng thời tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với nhân dân và nội bộ quân đội.

Ở miền Nam, được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại Hiệp định Geneve, liên tục tung các toán gián điệp từ miền Nam ra móc nối với các đối tượng được cài cắm lại miền Bắc, tiến hành chiến tranh tâm lý, lôi kéo gây dựng tổ chức phản động nhằm phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa của ta.

Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 4, tổ chức ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những khó khăn, động viên, ghi nhận những thành tích của ngành Tư pháp, đồng thời nhắc nhở những nhiệm vụ của ngành Tư pháp về đoàn kết, về xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn mới. Người nói:

“Bây giờ cả nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân.

Luật pháp của ta có cái mới và cũ. Có cái cũ không thích hợp dùng nữa. Cái mới thì chưa đầy đủ. Hiến pháp cũ có chỗ không thích hợp với tình hình và hoàn cảnh hiện nay. Vì vậy, khóa họp Quốc hội thứ 6 đã quyết định sửa đổi lại Hiến pháp. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, cán bộ tư pháp cũng cần góp phần của mình…”.

Trước yêu cầu của thực tiễn hoạt động tư pháp, Quốc hội khóa 1 tháng 8/1958 quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách Tòa án nhân dân và Viện công tố khỏi Bộ Tư pháp và sau đó được đưa vào Hiến pháp năm 1959. Đây là quyết định đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Tòa án nhân dân và được xem là dấu mốc quan trọng của công cuộc Cải cách tư pháp lần thứ nhất.

bai-3-1-.jpg
Quốc hội khóa 1. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Thi hành Hiến pháp 1959, Tòa án đã có những thay đổi cơ bản so với Hiến pháp năm 1946. Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân không còn trực thuộc Hội đồng chính phủ mà chịu trách nhiệm và báo cáo trước cơ quan quyền lực của Nhà nước là Quốc hội.

Cùng với đó, ngành Tòa án cũng có những thay đổi tổ chức từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Tòa án nhân dân các cấp đã làm tốt nhiệm vụ trấn áp bọn gián điệp, biệt kích, bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ và cuộc sống yên bình của nhân dân ở miền Bắc.

bai-3-2-.jpg

Ngày 04/4/1959, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ gián điệp do Trần Minh Châu (tức Cập) cầm đầu. Đây là nhóm biệt kích gồm 16 tên, được Pháp đưa đi đào tạo ở Guam, sau đó về Hải Phòng bằng máy bay. Mạng lưới gián điệp này chia thành 3 nhóm, hoạt động ở 3 vùng khác nhau gồm: Hải Phòng, Nam Định và Hà Nội.

Tòa án đã tuyên phạt tử hình đối với Trần Minh Châu, một án tù chung thân, hai án 20 năm tù giam. Số còn lại chịu hình phạt thích đáng. Bản án không những đập tan âm mưu phản gián, phá hoại của địch, mà còn góp phần bóc gỡ nhiều mạng lưới điệp viên ngầm được địch cài cắm tại một số địa phương miền Bắc, góp phần ổn định chính trị để phát triển kinh tế hậu phương miền Bắc, tiếp tục chi viện cho miền Nam.

Các Tòa án nhân dân đã tích cực thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về việc tăng cường đấu tranh chống bọn phản cách mạng, tiến tới quét sạch địch ở miền Bắc, nhằm bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Tòa án nhân dân cũng đã thiết thực phục vụ cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, thông qua các phiên tòa xét xử kịp thời và nghiêm trị một số địa chủ cường hào gian ác, thổ phỉ, đặc vụ, phản cách mạng ở địa bàn vùng cao các tỉnh phía Bắc...

Thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác trấn áp phần tử phản cách mạng, các Tòa án đã đánh đúng đối tượng, phân hóa kẻ địch, nghiêm trị đầu sỏ, khoan hồng đối với tay sai bị dụ dỗ, tranh thủ giáo dục cải tạo số đông bị ép buộc, mê hoặc, lầm đường.

Việc trấn áp địch đã được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. Các phiên tòa của Tòa án đã có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục nhân dân và có ảnh hưởng chính trị sâu sắc đối với nhiệm vụ bảo vệ chế độ, xứng đáng là công cụ sắc bén của chính quyền dân chủ nhân dân.

Liên tiếp trong các năm sau đó, Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến các nhóm gián điệp, biệt kích vũ trang do chính quyền Sài Gòn tung ra miền Bắc hoạt động tình báo, nhằm gây dựng mạng lưới cơ sở, phá hoại kinh tế, chính trị, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

tang-vat-thu-giu-trong-vu-an-biet-kich-nhay-du-xuong-bac-kan-1963.jpg
Tang vật thu giữ trong vụ án biệt kích nhảy dù xuống Bắc Kạn, năm 1963

Tháng 11/1961, Tòa án quân sự Trung ương đã đưa ra xét xử vụ biệt kích xâm nhập bằng đường hàng không. Đây là nhóm biệt kích được đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức cho máy bay quân sự C-47 xâm nhập địa phận miền Bắc và bị quân dân ta bắn rơi tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

Phiên tòa diễn ra trong ba ngày, do Đại tá Cao Văn Khánh làm chủ tọa, với 1.500 người tham dự, được tường thuật trực tiếp qua đài phát thanh. Hàng chục vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh theo dõi. Đây là phiên tòa được tổ chức quy mô, đúng quy định pháp luật, rút ra nhiều kinh nghiệm trong sự phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chuẩn bị và điều hành phiên tòa lớn.

Bản án của Tòa án quân sự Trung ương đã vạch trần âm mưu đen tối và thủ đoạn phá hoại của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trước dư luận trong nước và quốc tế; có tác dụng nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của quân và dân; phân hóa cao độ hàng ngũ kẻ thù, đánh mạnh vào tinh thần của bọn gián điệp biệt kích, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho bọn tay sai trước ý đồ xâm nhập phá hoại miền Bắc.

Trong giai đoạn này ở miền Nam, chúng ta đã thành lập các Tòa án quân sự miền Nam, kịp thời xét xử các đối tượng ác ôn, chỉ điểm, có nhiều nợ máu với cách mạng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị thời chiến, phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, đẩy nhanh sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1968), thực hiện nhiệm vụ chung do Trung ương Đảng đề ra cho toàn Đảng, toàn dân ở miền Bắc là: “Tiếp tục đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ; đồng thời tích cực chi viện cho cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước”, mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, song các Tòa án nhân dân đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tòa án trong thời chiến; nhiều cán bộ, Thẩm phán các Tòa án đã cùng nhân dân vừa xét xử, vừa anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của địch.

Tháng 7/1974 một số phần tử thù địch, phản động, chui vào quân đội, lợi dụng danh nghĩa thương, bệnh binh để lừa gạt, lôi kéo, kích động một số quân nhân yếu kém thực hiện bạo loạn tại Ninh Bình. Chúng chặn xe ca dân sự, cướp súng của lực lượng Kiểm soát quân sự, đánh đập làm bị thương nhiều người trong đó có cả bộ đội, công an, cụ già, trẻ em, phụ nữ có thai; đột nhập, phá hỏng một số trụ sở cơ quan, đơn vị, như: Bưu điện, Quân y viện 5, Ty Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh… Một số cơ quan đầu não của tỉnh Ninh Bình bị tê liệt trong nhiều ngày, nhiều trang thiết bị của các cơ quan này bị phá hủy.

bai-3-3-.jpg
Tòa án Quân sự Quân khu Hữu Ngạn xét xử các bị cáo trong vụ gây bạo loạn ở Ninh Bình, năm 1974

Tháng 12/1974, Tòa án quân sự quân khu Hữu Ngạn do Trung tá Tô Minh Tuấn làm chủ tọa, đã mở phiên tòa xét xử, tuyên những mức án nghiêm khắc. Vụ án đã được xét xử kịp thời, vạch trần những hành vi phá hoại của bọn phản cách mạng, gây bạo loạn nhằm gây rối loạn xã hội, làm suy yếu uy tín và sức mạnh quân đội, ngăn cản sức chi viện cho miền Nam. Đồng thời, bản án đã nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, chuẩn bị tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nam Bắc về chung một nhà - Đất nước trọn vẹn niềm vui thống nhất.

Lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới - độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi của lịch sử đất nước trong giai đoạn mới, Ngành Tư pháp nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng cũng có nhiều thay đổi, đóng góp vào tiến trình xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế đất nước.

Còn tiếp...

Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Tòa án trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước