Sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng, ngành Tòa án nhân dân đã kịp thời trấn áp nhiều loại tội phạm nguy hiểm đe dọa an ninh, trật tự xã hội.
Sau những năm thống nhất, bên cạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng, Tòa án nhân dân đã kịp thời trấn áp nhiều loại tội phạm nguy hiểm đe dọa an ninh, trật tự xã hội trong giai đoạn đầu đổi mới đất nước.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn của ngành Tòa án. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1993 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được mở rộng. Tòa án nhân dân đảm nhiệm thêm chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế của hệ thống Trọng tài kinh tế Nhà nước, giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hành chính và lao động.
Trong các Tòa án nhân dân được thành lập thêm Tòa chuyên trách là: Tòa Kinh tế, Tòa Lao động và Tòa Hành chính… có nhiệm vụ chuyên trách giải quyết, xét xử các tranh chấp về kinh tế, lao động và hành chính nảy sinh trong xã hội, góp phần ổn định và phát triển xã hội trên các lĩnh vực hoạt động với tinh thần sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đã tạo ra bước chuyển biến mới của đất nước. Nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tội phạm đã câu kết lập thành các băng nhóm có tổ chức, nấp dưới danh nghĩa tổ, đội tự quản, nghiệp đoàn lao động tiến hành các hành vi phạm pháp tinh vi, xâm phạm trật tự xã hội, xâm phạm đến tài sản, tính mạng nhân dân, đến an ninh trật tự xã hội, gây bức xúc ở Hà Nội. Điển hình của dạng tội phạm này là vụ án Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) và Nguyễn Thị Phúc (tức Phúc “bồ”) xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Khánh “trắng” đã lôi kéo, tập hợp hàng trăm đàn em có tiền án, tiền sự, có lúc lên đến gần 500 tên, lập ra cái gọi là “Nghiệp đoàn lao động bốc xếp Đồng Xuân”, tại khu vực chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên. Bên cạnh việc dọa nạt, hành hung bà con tiểu thương, buộc hàng tháng phải nộp tiền bảo kê, nghiệp đoàn Khánh “trắng” còn tiến hành đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn, trừ khử nhau, cướp tài sản, thậm chí giết người rồi cho đàn em nhận tội thay.
Nguy hiểm hơn, Khánh “trắng” còn tạo vỏ bọc bằng việc tích cực tặng quà từ thiện, dùng tiền mua chuộc một số cán bộ thoái hóa biến chất, và còn có ý định ra ứng cử Hội đồng nhân dân quận Hoàn Kiếm. Tương tự thủ đoạn phạm tội này còn có Phúc “bồ”, một nữ quái hoạt động phạm tội tại khu vực chợ tạm phố Phùng Hưng. Không ít lần băng nhóm của Khánh “trắng” và Phúc “bồ” tranh giành nhau địa bàn hoạt động, xảy ra đâm chém, tạt axit, gây mất trật tự an toàn giữa Thủ đô.
Năm 1996, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Dương Văn Khánh cùng đồng bọn với các tội: Giết người; Cướp tài sản; Cưỡng đoạt tài sản, Trốn thuế; Che giấu tội phạm… tuyên án tử hình Dương Văn Khánh cùng nhiều mức án nghiêm khắc cho các bị cáo đồng phạm. Sau đó, Tòa án cũng đã xét xử Phúc “bồ”, tuyên phạt mức án 9 năm tù, tịch thu nhiều tài sản phạm tội của hai băng nhóm tội phạm.
Phiên tòa xét xử hai nhóm tội phạm dưới dạng xã hội đen đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là bà con tiểu thương các chợ Đồng Xuân, Long Biên, Chợ tạm Phùng Hưng. Bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội được nhân dân đồng tình ủng hộ và hoan nghênh, góp phần cảnh báo loại tội phạm mới phát sinh trong thời kỳ đổi mới kinh tế, nâng cao tinh thần cảnh giác, góp phần lập lại trật tự trị an tại địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành đô thị của chính quyền trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng trong những năm 1990, lợi dụng chính sách mở cửa, đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy ráo riết hoạt động, gây nhiều tác động xấu tới đời sống xã hội. Tòa án nhân dân đã đưa ra xét xử nhiều vụ án, nhiều tổ chức và đường dây tội phạm ma túy, điển hình là vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, trong một thời gian dài từ Lào về Việt Nam do Vũ Xuân Trường (tức Trường “hói”) cầm đầu.
Vũ Xuân Trường đã móc nối, lôi kéo một số cán bộ cùng nhiều đối tượng khác tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép chất ma túy, mỗi chuyến lên đến hàng chục, hàng trăm bánh heroin được vận chuyển về Hà Nội. Đây là vụ án ma túy đầu tiên có nhiều cán bộ trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang tham gia thực hiện hành vi tội phạm với số lượng ma túy rất lớn.
Tháng 5 và 6/1997, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã mở phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án này, tuyên phạt Vũ Xuân Trường cùng 7 bị cáo mức án tử hình, 6 bị cáo mức án chung thân và các mức án thích đáng cho các bị cáo đồng phạm.
Bản án không những góp phần kiên quyết đấu tranh trừng trị tội phạm ma túy, làm trong sạch đời sống xã hội, mà còn cảnh báo, rút ra bài học trong công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ nhà nước, lực lượng vũ trang trong cơ chế kinh tế thị trường; đồng thời, tăng cường phối hợp tư pháp với các nước bạn có chung đường biên giới trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến ma túy trong tình hình mới.
Từ sau ngày đất nước thống nhất cho tới những năm cuối của thế kỷ 20, Tòa án nhân dân đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng thể chế và thực thi pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của pháp luật. Hoạt động xét xử cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội và xu thế hội nhập với tư pháp quốc tế.
Nguồn: Kịch bản phim “Tòa án nhân dân xét xử các đại án điển hình”
(Còn tiếp)
Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà