Tòa án

Những phán quyết làm thay đổi chính sách tài chính, ngân hàng

27/07/2025 - 07:36

Những năm cuối của thập niên 1970, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế do thiên tai, chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, song các Tòa án nhân dân đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành các cấp phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục khó khăn giành nhiều thắng lợi to lớn.

bai-8-2-.jpg

Những phán quyết nghiêm khắc của Tòa án nhân dân trong các đại án tài chính - ngân hàng không chỉ trừng trị tội phạm mà còn góp phần siết chặt quản lý, hoàn thiện chính sách tín dụng và bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia. Từ vụ Tăng Minh Phụng, Dương Chí Dũng đến Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm… Các phiên tòa đã khẳng định vai trò trung tâm của Tòa án trong cải cách tư pháp.

Trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động kinh doanh ngân hàng gắn trực tiếp với tiền tệ, là nơi tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực cấp tín dụng.

Một số chính sách mới được ban hành đã nới rộng quyền hạn của ngân hàng, nhưng do thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát hữu hiệu đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn lạm dụng, lũng đoạn phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung, đến an ninh tiền tệ nói riêng.

bai-8-anh-2-1-.jpg

Những năm 1990, Tăng Minh Phụng cùng một số cán bộ ngân hàng đã phải lĩnh án tử hình vì làm thất thoát tài sản của nhiều ngân hàng, phải bồi thường tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Song, do mặt trái của kinh tế thị trường tác động và sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ ngân hàng, nhiều đại án liên quan đến hoạt động ngân hàng, làm thất thoát tài sản lớn của Nhà nước tiếp tục xảy ra và được các Tòa án xét xử nghiêm khắc. Trong đó có một cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải hầu tòa về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng loạt các vụ án lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng được đưa ra xét xử. Năm 2002, trong vụ án Ngân hàng Việt Hoa, các bị cáo tham ô của Nhà nước 213 tỷ đồng và 69 triệu USD, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa 15 triệu USD và 15 tỷ đồng; lừa đảo của công dân 65 tỷ đồng.

Hay vụ án Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, bị đưa ra xét xử với các tội danh: Cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Cùng hầu tòa với bầu Kiên còn có 5 cựu lãnh đạo của Ngân hàng ACB, bị truy tố về hành vi “Cố ý làm trái”.

bai-8-anh-2-2-.jpg

Vụ án nguyên Tổng Giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân cùng 17 bị cáo được đưa ra xét xử và bị truy tố về 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho ngân hàng là gần 2.500 tỷ đồng. Tòa án đã tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Agribank 22 năm tù; nguyên Giám đốc Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương 30 năm tù; các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng đến 15 năm tù.

Trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm tại Ngân hàng Oceanbank, các bị cáo đã có các hành vi tham ô, cố ý làm trái, vi phạm quy định các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, hành vi cố ý làm trái chi lãi suất ngoài trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỷ đồng.

bai-8-anh-2-3-.jpg

Bên cạnh đó là các vụ án Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐTD Sacombank); Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín - Trustbank); Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng DongA bank… Với các hành vi cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Vụ án Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được xem là đại án điển hình ngân hàng lớn nhất với số tiền thiệt hại lên đến 18.000 tỷ đồng. Bằng các thủ đoạn lập chứng từ khống, chuyển nhượng ngân hàng, bảo lãnh khống, chuyển tiền lòng vòng từ ngân hàng này qua ngân hàng khác… Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Vụ án được xét xử qua hai giai đoạn. Tổng hợp hình phạt của hai bản án, Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm tù.

Những bản án nghiêm minh của Tòa án đối với các tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã kịp thời trừng trị tội phạm kinh tế, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, làm trong sạch hoạt động tiền tệ quốc gia, góp phần đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn đổi mới toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn: Kịch bản phim “Tòa án nhân dân xét xử các đại án điển hình” (2023)

(Còn tiếp)

Thực hiện: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phán quyết làm thay đổi chính sách tài chính, ngân hàng